Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch HUBA: Quy chuẩn về PCCC gỡ được cái khó nào thì mừng cái đó

19:40 21/04/2023

Ngày 21/4, Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức hội nghị phổ biến công văn số 1678/CATP-PC07 ngày 11-4 của Công an TP HCM về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực PCCC và CNCH.

Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh về những khó khăn trong lĩnh vực PCCC. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các bộ, ban ngành phải có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho trong công tác quản lý quản lý Nhà nước về PCCC. Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã thống nhất, ban hành các văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bà Lý Kim Chi - Phó chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM
Bà Lý Kim Chi - Phó chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM.

Đại diện cho các DN tham gia, bà Lý Kim Chi - Phó chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, thời gian qua có quá nhiều văn bản về PCCC khiến các DN phải thường xuyên cập nhật, cho người đi học các lớp tập huấn rất mất thời gian. Bà Chi cũng chỉ ra, thời gian qua, một số DN ở Long An đã phải mời đại diện Cục PCCC để về giải quyết những vướng mắc về PCCC để DN tiếp tục hoạt động.

Bà Chi nói thêm, theo quy chuẩn mới nhiều điều gây khó cho DN, ví dụ như một nhà xưởng xây dựng khoảng 1000-1300 m2 nhưng yêu cầu phải có bể chứa nước sử dụng được trong 3 giờ đồng hồ, dẫn đến chi phí bể chứa nước chiếm đến 1/3 chi phí xây dựng. Đồng thời, việc quy định các giải pháp chống cháy bằng vách tường trong cùng một khuôn viên xưởng không hợp lý vì một dây chuyền sản xuất phải liên tục. Ngoài ra, một số nguyên vật liệu, sơn chống cháy theo quy định không có tại Việt Nam, muốn có được phải nhập khẩu sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, ép giá... 

Còn theo đại diện công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết, DN có dự án cải tạo kho, tuy nhiên, sau khi được thiết kế các quy định PCCC theo tiêu chuẩn mới, kinh phí lên đến 5 tỷ, khiến DN không đủ nguồn lực thực hiện. Vì thế, khi nghe nói các cơ sở sản xuất xây dựng vào thời điểm nào thì được áp dụng theo quy chuẩn PCCC tại thời điểm đó, phía công ty mong muốn được thực hiện theo điều này và không bị gây khó dễ.

Đại diện công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Quang Minh (Bidrico) chia sẻ những khó khăn khi thường xuyên bị lập biên bản về các sai phạm trong lĩnh vực PCCC. “Mùa Tết là mùa cao điểm sản xuất nước giải khát của chúng tôi, nhưng chỉ hơi chút là bị lập biên bản. Chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện để hoạt động thuận lợi. Đồng thời, mong muốn được tập huấn về các quy định PCCC vì nhiều khi không hiểu nên không biết áp dụng theo phương cách nào...”.

Ông Lê Trọng Lập, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA), nêu dẫn chứng: Bộ Xây dựng đưa ra các quy định chuẩn kính chống cháy áp dụng các công trình nhưng Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất. Các DN phải nhập khẩu từ Trung Quốc mà từ sau dịch, các cửa khẩu phía Bắc chưa thuận lợi cho việc nhập khẩu. Nếu không lắp loại kính này thì công trình không được nghiệm thu. Tương tự, sơn chống cháy Việt Nam hiện cũng chưa sản xuất mà phải nhập khẩu.

Ông Lập kiến nghị Bộ Xây dựng khi soạn thảo văn bản, quy định cần xem xét năng lực sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam hay không, khi đưa ra các quy định cần xem xét trình độ sản xuất thực tế, khả năng chịu đựng của các DN và nền kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch HUBA, cho biết: "Chúng tôi mong rằng gỡ được cái khó nào thì mừng cái đó. Làm sao để công tác PCCC an toàn, hiệu quả, giúp người lao động và DN có thể hiểu rõ những quy định mới về PCCC, nhưng cũng giúp các DN hoạt động thuận lợi hơn trong bối cảnh hiện nay".

Ảnh minh họa
Đại tá Huỳnh Ngọc Quan - Phó trưởng phòng PC07 chia sẻ tại hội nghị 

Ông Huỳnh Ngọc Quan - Phó trưởng phòng PCCC và CNCH Công an TP.HCM (PC07), thừa nhận, hiện nay do có quá nhiều các văn bản về PCCC dẫn đến tình trạng các công ty tư vấn thiết kế khó cập nhật được chính xác. Ngay bản thân những người làm công tác PCCC cũng cảm thấy khó khăn vì sự thay đổi liên tục trong các quy định này. “Các quy chuẩn ban hành quá vội vàng, trong thời gian quá ngắn. Năm 2020 ra quy chuẩn, năm 2021 và năm 2022 lại ra tiếp quy chuẩn mới. Trong vòng 3 năm mà ra ba quy chuẩn như vậy bản thân chúng tôi cũng thấy khó khăn, bất cập”, ông Quan nêu.

Ông Quan chia sẻ thêm, tại TP.HCM có 117 ngàn các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Trong đó các cơ sở được phân cấp theo quy mô để tiện cho việc quản lý. Cấp một là các cơ sở do công an quản lý, cấp hai là các cơ sở thuộc UBND xã, phường quản lý. Hiện tại, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất việc thực hiện quy chuẩn PCCC còn chưa đảm bảo an toàn, tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công an là không gây khó khăn cho cơ sở sản xuất mà sẽ linh động để tạo điều kiện cho DN bổ sung phương án PCCC mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Cơ sở hoạt động tại thời điểm nào thì áp dụng văn bản quy chuẩn tại thời điểm đó, áp dụng quy chuẩn mới thì DN không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu quy chuẩn mới có điều gì hơp lý hơn thì có thể áp dụng”, ông Quan khẳng định.

Ông Quan cũng cho biết, tại TP.HCM, các cơ sở bị đình chỉ hoạt động chủ yếu là các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực karaoke, vũ trường, quán bar... nơi đông dận cư. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, cần thực hiện nghiêm các biện pháp PCCC để đảm bảo an toàn cho người, tránh gây thiệt hại về người và của như vụ cháy ở Bình Dương vừa qua. Còn với những cơ sở sản xuất, khu công nghiệp thì không áp dụng việc đình chỉ hoạt động vì sẽ gây ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, làm đình trệ hoạt động của DN. “Các cơ sở sản xuất phải cân nhắc, không thể làm đại trà như các quán karaoke. Luật pháp không cho đình chỉ tuỳ tiện, và chúng tôi cũng không đình chỉ các cơ sở như vậy, chỉ khi nào vi phạm nghiêm trọng hoạt động PCCC mới đình chỉ”, ông Quan nhấn mạnh.

PV