Là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực tài chính vi mô và phát triển cộng đồng, những đóng góp của Muhammad Yunus đã có tác động sâu rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới, một trong số đó phải kể đến khái niệm tín dụng vi mô và mô hình "ngân hàng cho người nghèo".
Sinh ra và lớn lên tại Bangladesh, Muhammad Yunus tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế tại Đại học Dhaka vào năm 1960, một năm sau đó ông nhận bằng thạc sĩ và bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Đại học Chittagong trước khi nhận học bổng Fulbright để sang Mỹ, lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Vanderbilt năm 1969. Từ 1969 đến 1972, ông là giảng viên kinh tế tại Đại học Middle Tennessee State. Dù được mời ở lại Mỹ, Muhammad quyết định trở về Bangladesh để giảng dạy tại Đại học Chittagong vì tình yêu đất nước.
Nhà kinh tế học Muhammad Yunus là người tiên phong trong việc đề xuất một nền kinh tế thị trường xã hội mới. Năm 1974, chứng kiến nạn đói khủng khiếp ở Bangladesh khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, Muhammad quyết tâm xóa đói giảm nghèo. Sau nhiều năm trăn trở, ông dần phổ biến khái niệm "tín dụng vi mô" hay "tài chính vi mô". Năm 1976, sau khi nghe câu chuyện 42 phụ nữ tại một ngôi làng nhỏ ở Bangladesh mong muốn có 27 USD để thoát cảnh lệ thuộc, ông triển khai mô hình tín dụng nhỏ. Đến năm 1983, ông sáng lập Grameen Bank, hoạt động với mục tiêu có lãi nhưng không khai thác lợi nhuận tối đa, tiếp đón tới 97% khách hàng là phụ nữ.
Từ năm 1976 đến 1982, Muhammad đã giúp 28.000 người nghèo ở Bangladesh vay tiền phát triển công việc. Thành công này dẫn đến việc thành lập nên Grameen Bank vào năm 1983, còn gọi là "Ngân hàng cho người nghèo". Grameen cho người nghèo vay các khoản nhỏ từ 50-100 USD mà không yêu cầu thế chấp. Tính đến năm 2006, Grameen Bank đã cho 6,61 triệu người vay, tổng số tiền cho vay đạt khoảng 5,72 tỷ USD, với tỷ lệ thu hồi nợ 98,85%.
Ban đầu, mọi ý tưởng của Muhammad không được nhiều người ủng hộ, tuy nhiên, ông đã chứng minh tính hiệu quả của chúng. Mô hình tín dụng hỗ trợ người nghèo của Grameen Bank do ông thành lập được áp dụng ở hơn 100 quốc gia, tạo nên làn sóng mới toàn cầu. Nhiều ngân hàng đã áp dụng mô hình này để cải thiện đời sống cho các tầng lớp nghèo trong xã hội. Với những thành tựu đó, Muhammad và Grameen Bank đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2006.
H.C (t/h)