Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt gần 5,2 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ. Riêng quý II/2024, kiều hối đạt hơn 2,3 tỷ USD, tuy giảm 19,5% so với quý I/2024 nhưng vẫn tăng 4,2% so với quý II/2023. Khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng kiều hối, với 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, kiều hối tăng mạnh nhờ các yếu tố tích cực từ nguồn nhân lực và thị trường lao động, đặc biệt là tại khu vực châu Á. Kinh tế phục hồi, duy trì tăng trưởng cùng môi trường chính trị ổn định và thị trường lao động mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động, việc làm và thu nhập của kiều bào và người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Những yếu tố này đã thúc đẩy kiều hối duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây và trong nửa đầu năm 2024.
Dịch vụ chi trả kiều hối của các ngân hàng và công ty kiều hối ngày càng được cải thiện, theo hướng thuận lợi, an toàn và hiệu quả hơn cho người dùng. Tại TP. Hồ Chí Minh, các phương thức chi trả đa dạng và tiện lợi cùng hệ thống mạng lưới các tổ chức tín dụng rộng khắp đã giúp dịch vụ thanh toán chuyển tiền trở nên nhanh chóng, kịp thời, an toàn và tiện lợi. Người dân và khách hàng thụ hưởng có thể lựa chọn nhận kiều hối tại nhà, tại quầy giao dịch ngân hàng hoặc chuyển khoản tùy theo yêu cầu.
Các cơ chế chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về kiều hối, ngoại hối và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cũng là những nền tảng vững chắc thu hút nguồn kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Dòng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi sắp có hiệu lực.
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), việc thay đổi Luật lần này, đặc biệt là công nhận các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của kiều bào hải ngoại nếu vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam, sẽ cho phép người có quốc tịch Việt Nam tại nước ngoài đứng tên bất động sản. Điều này giúp giải quyết tình trạng khiếu kiện do phải nhờ người nhà đứng tên tài sản và phát sinh các trường hợp chiếm đoạt tài sản. Qua đó, tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư vào thị trường Việt Nam và tạo ra nguồn nhu cầu bất động sản mới.
Kiều hối là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân và gia đình ở trong nước. Việc sử dụng nguồn kiều hối này với các mục đích khác nhau như tiêu dùng, đầu tư kinh doanh, hoặc đưa vào sản xuất trực tiếp… đều góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
P.V (t/h)