Tỷ phú Nguyễn Phương Thảo lặng lẽ dựng đế chế công nghệ mang Galaxy Holdings Công nghệ số: Gần hơn với nhu cầu doanh nghiệp nhỏ |
Chia sẻ về cách xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam, tại buổi tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số" do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập tổ chức ngày 28/5/2025. Ông Đỗ Thanh Bình - Giám đốc hợp tác quốc tế Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành ưu tiên chiến lược của hàng triệu doanh nghiệp, việc xây dựng niềm tin số (Digital Trust) đang nổi lên như một yếu tố phân biệt sống còn trên thương trường.
Theo định nghĩa từ VINASA, niềm tin số là niềm tin giữa các bên giao dịch trong môi trường số, được thiết lập và duy trì thông qua các yếu tố như quyền riêng tư, bảo mật, minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính khả kiểm. Khi người tiêu dùng ngày càng thận trọng với các giao dịch trực tuyến, họ không chỉ tìm kiếm sản phẩm tốt mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải đáng tin cậy và minh bạch.
![]() |
Ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc hợp tác quốc tế Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam. Ảnh: Phan Chính |
Theo ông Bình, niềm tin số không phải là khái niệm xa xỉ mà là nền móng để doanh nghiệp phát triển bền vững. Một khảo sát gần đây của PwC tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, 91% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi quảng cáo khi mua sắm, nhưng tỷ lệ quay lại mua lần hai phụ thuộc rất lớn vào mức độ tin tưởng họ đặt vào doanh nghiệp. Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất khu vực, nhưng đồng thời cũng đối mặt với hàng loạt thách thức như lừa đảo trực tuyến, rò rỉ dữ liệu, hàng giả, hàng nhái và thông tin sản phẩm thiếu minh bạch.
Ông Đỗ Thanh Bình cho rằng, trước thực tế đó, chương trình “Doanh nghiệp, thương nhân uy tín - Digital Trust” do VINASA khởi xướng đã ra đời nhằm cung cấp một hệ sinh thái uy tín cho thương mại số tại Việt Nam. Điểm nhấn của chương trình là chứng nhận TrustMark – một nhãn hiệu uy tín số được cấp cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về pháp lý, công nghệ và đạo đức kinh doanh trên nền tảng số.
“Việc sở hữu TrustMark không chỉ là một công cụ truyền thông mà còn là giấy thông hành giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín với khách hàng và đối tác. Theo thống kê quốc tế, tại Đức, 70% tổng chi tiêu trực tuyến của người tiêu dùng đổ vào các cửa hàng có gắn nhãn Trusted Shops – một hình mẫu tương đồng với TrustMark tại Việt Nam. Tại Nhật Bản, chương trình PrivacyMark cũng đã chứng nhận hơn 17.000 công ty có hệ thống quản lý bảo mật thông tin cá nhân đạt chuẩn quốc gia”, ông Đỗ Thanh Bình chia sẻ.
Ở Việt Nam, chương trình TrustMark đang dần chứng minh được giá trị thực tiễn. Các doanh nghiệp tham gia sẽ trải qua quy trình bảy bước, từ đăng ký hồ sơ, đánh giá chi tiết, thẩm định – phê duyệt, cho đến giai đoạn giám sát định kỳ và gia hạn. Điều này đảm bảo rằng chứng nhận không phải là hình thức đối phó mà là cam kết lâu dài của doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Ông Đỗ Thanh Bình khẳng định, khi niềm tin trở thành tài sản mới của doanh nghiệp, những công ty tiên phong đầu tư vào hệ thống bảo mật, quy trình xử lý dữ liệu minh bạch và dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp sẽ là những người chiến thắng trong cuộc đua thu hút người tiêu dùng số. Việc xây dựng niềm tin số không chỉ dừng lại ở khâu kỹ thuật, mà còn là một chiến lược kinh doanh mang tính dài hạn. Các doanh nghiệp được chứng nhận TrustMark có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng có nhu cầu thực, giảm rủi ro khi tham gia vào các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
Mặt khác, sự tồn tại của những công cụ chứng nhận uy tín như TrustMark cũng là cách để bảo vệ người tiêu dùng – những người đang chịu rủi ro ngày càng lớn trong môi trường số. Theo VINASA, đây là bước đi chiến lược giúp tạo lập môi trường thương mại điện tử công bằng, minh bạch và phát triển bền vững.
“Trong tương lai không xa, khi các giao dịch, dữ liệu và tương tác khách hàng ngày càng dịch chuyển lên môi trường số, niềm tin sẽ không còn là lựa chọn mà là điều kiện bắt buộc. Doanh nghiệp nào sớm nắm bắt xu thế, sớm xây dựng được niềm tin kỹ thuật số sẽ chiếm lĩnh được thị trường, đồng thời tạo ra khác biệt mang tính cạnh tranh bền vững”, ông Đỗ Thanh Bình nói.