Những thực phẩm không nên dùng chung với mật ong. |
Mật ong là hỗn hợp của các loại đường và một số thành phần khác. Về thành phần carbohydrate, mật ong chủ yếu là fructose (khoảng 38,5%) và glucose (khoảng 31%). Các carbohydrate khác trong mật ong gồm maltose và carbohydrate hỗn hợp. Mật ong cũng chứa một lượng rất nhỏ các hợp chất chức năng như chất chống oxy hóa, bao gồm chrysin, pinobanksin, vitamin C, catalase và pinocembrin. Thành phần cụ thể của mật phụ thuộc vào hoa mà ong hút mật.
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và hỗ trợ chữa lành vết thương. Có tác dụng prebiotic, giúp tăng cường hệ vi khuẩn đường ruột, cải thiện sức khỏe tiêu hóa. Giúp trung hòa các gốc tự do và giảm căng thẳng oxy hóa trong cơ thể. Mật ong có thể giúp làm sạch chất nhầy dư thừa ở vùng mũi và họng, giúp ngăn ngừa cảm lạnh, ho và tăng cường hệ thống miễn dịch… Mật ong giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) gây viêm loét dạ dày, làm giảm viêm dạ dày do uống quá nhiều rượu và giảm khả năng gây ung thư của một số tác nhân độc hại. Mật ong đem lại vô số lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên nên biết sử dụng và kết hợp đúng cách. |
4 thực phẩm 'đại kỵ' với mật ong. |
Mật ong không nên dùng cùng với hành, tỏi sống. Đây là hai thứ rất kỵ nhau do hành, tỏi tính nóng, cay tán, mật ong lại ngọt, nóng. Cay tán thì hao khí, hai thứ đối chọi với nhau tất sinh ra chứng uất nhiệt, bụng chướng.
Mật ong có tác dụng nhuận tràng, nếu ăn cùng hẹ giàu chất xơ dễ gây tiêu chảy. Hẹ giàu vitamin C, khi gặp các khoáng chất đồng, sắt trong mật ong có thể gây ra phản ứng oxy hóa, khiến thực phẩm này giảm tác dụng.
Không nên kết hợp mật ong với hành tây. Các axit hữu cơ và enzyme trong mật ong tương tác với các axit amin chứa lưu huỳnh trong hành tây, tạo ra phản ứng hóa học và sản sinh ra các chất có hại. Các chất này có thể gây ngộ độc hoặc kích thích dạ dày, dẫn đến tiêu chảy.
Mặc dù một số người tin rằng kết hợp mật ong và hành tây có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc điều trị ho và cảm lạnh, nhưng những lợi ích này chưa được khoa học chứng minh rõ ràng. Trong khi đó, nguy cơ gây hại cho sức khỏe là hoàn toàn có thật.
Mật ong với nước nóng
Theo Ayurveda (hệ thống y học Hindu truyền thống có nguồn gốc từ Ấn Độ), thêm mật ong vào nước nóng hoặc đun mật ong ở nhiệt độ trên 40°C sẽ không tốt cho sức khỏe.
Mật ong chứa nhiều enzyme, vitamin và khoáng chất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Khi pha với nước nóng, đặc biệt là nước sôi, các chất này sẽ bị phá hủy, làm giảm giá trị dinh dưỡng của mật ong. Nhiệt độ cao có thể làm cho đường trong mật ong biến đổi thành hydroxymethylfurfural (HMF), một chất có khả năng gây độc cho cơ thể nếu tiêu thụ quá nhiều.
Ngoài ra, mật ong pha với nước nóng sẽ mất đi hương vị tự nhiên, thơm ngon vốn có. Vì vậy, để tận dụng tối đa lợi ích của mật ong, bạn nên pha nó với nước ấm (khoảng 35-40 độ C) hoặc nước đun sôi để nguội.
Mật ong với các sản phẩm từ đậu nành
Đậu nành chứa một lượng lớn protein và một số loại khoáng chất. Khi kết hợp với mật ong, các chất này có thể phản ứng với nhau, tạo thành các hợp chất khó tiêu hóa, gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, thậm chí là tiêu chảy.
Đậu nành giàu chất dinh dưỡng như protein và acid amin; cung cấp chất béo, carbs và nhiều loại vitamin và khoáng chất, rất có ích cho cơ thể. Tuy đậu nành và mật ong tốt là thế, nhưng khi kết hợp hai thứ này với nhau sẽ xảy ra những phản ứng sinh hóa với các enzym, khoáng chất và protein thực vật có trong mật ong và đậu nành, gây hiện tượng ngộ độc và tiêu chảy. Hỗn hợp đậu nành và mật ong bị đông cứng trong dạ dày gây hiện tượng khó thở và có thể dẫn đến hôn mê.
Một số sản phẩm từ đậu nành, đặc biệt là đậu phụ (đậu hũ), có thể chứa thạch cao. Thạch cao khi kết hợp với đường trong mật ong có thể tạo thành các khối vón cục trong dạ dày. Nếu lượng lớn, các khối này có thể gây khó thở, thậm chí hôn mê, đặc biệt nguy hiểm cho người có bệnh tim mạch.
Mật ong với thịt, cá
Sự kết hợp này không chỉ tạo ra mùi vị lạ mà còn cản trở quá trình hấp thụ protein có trong thịt và cá, đồng thời làm chậm quá trình tiêu hóa và gây đau dạ dày.
Đặc biệt, sự kết hợp cá chép với mật ong rất kỵ, nếu ăn kèm có thể ngộ độc ngay. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng đậu đen, cam thảo để giải độc.
Mặc dù mật ong có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe nhưng các trường hợp sau lại không nên dùng:
Trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 1 tuổi vì dễ gây phản ứng dị ứng. Phụ nữ đang mang thai. Người bị huyết áp thấp hoặc đường máu thấp. Người mới phẫu thuật, người bị xơ gan, đái tháo đường (tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nội tiết), rối loạn chức năng tiêu hóa (mật ong có tác dụng nhuận tràng những người cơ địa dễ đi ngoài, viêm đại tràng mạn, hội chứng ruột kích thích, đang bị đi ngoài và hay đầy bụng thì không nên dùng). Người có tiền sử dị ứng với một số thành phần của mật ong. |
Chú ý rằng, khi bảo quản mật ong bạn nên sử dụng trong các dụng cụ bằng thủy tinh, sứ. Mật ong có tính axít yếu, nên khi tiếp xúc với bình đựng bằng kim loại sẽ xảy ra phản ứng hóa học, tách sắt, nhôm, kẽm.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!