“Người” giương cao ngọn cờ kỷ nguyên mới
Tổng Bí thư Tô Lâm với học viên lớp bồi dưỡng quy hoạch cán bộ. |
Ngày 31/10/2024, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi trao đổi một số nội dung về “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ 3).
Về một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm có nói: “Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý: “Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước”.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra “7 định hướng chiến lược” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó định hướng thứ 5 về “chống lãng phí” có lẽ khiến dư luận vô cùng quan tâm, nhất là việc “chống lãng phí tài nguyên thiên nhiên”. Thảo luận tại hội trường Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 4/11, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng: “khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước nên cần quản lý, khai thác, sử dụng tiếp kiệm”…
Có lẽ, tài nguyên thiên nhiên - nhất là tài nguyên khoáng sản không chỉ có vai trò đóng góp quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế - xã hội, mà nó còn là tiềm lực chính trị giúp quốc gia đó có vị thế trên trường quốc tế, nhất là quốc gia phong phú và giàu có về tài nguyên khoáng sản như Việt Nam…
Những “kho báu” lớn thứ 2 thế giới
Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho biết: “Việt Nam có trữ lượng bô xít lớn thứ 2 thế giới, khoảng 5.800.000 tấn, gấp 8 lần Trung Quốc (710.000 tấn), 9 lần Ấn Độ (650.000 tấn), 290 lần Mỹ (20.000 tấn)”.
Khu vực tuyển, rửa quặng bô xít của Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Ảnh: TTXVN). |
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chính thức được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2023. Theo quy hoạch Bô xít giai đoạn 2021 – 2030, cả nước có 19 đề án thăm dò, trong đó Đăk Nông có 7 đề án. Với khâu khai thác, sẽ mở rộng mỏ Nhân Cơ, Tân Rai, đầu tư mới 8 – 10 mỏ.
Đáng chú ý, Bô xít là nguồn tài nguyên lớn, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, là một nguồn lực quan trọng góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cũng theo Cục Địa chất Việt Nam cho biết, Đắk Nông chiếm 47% trữ lượng bô xít cả nước. Nhiều khu vực đã được thăm dò, cấp phép khai thác và ngành khai thác bô xít, chế biến alumin đang dần trở thành một trụ cột trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện quặng “bô xít đang chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Đắk Nông”.
Nói về vai trò của bô xít, chúng ta biết rằng, đây là một trong những tài nguyên khoáng sản vô cùng quan trọng trong việc “sử dụng làm lò cao, môi (giá) sắt/thép, ximăng, sản xuất nhôm, phễu rót kim loại lỏng, hồ ngâm vật liệu, lòng lò nung, torpedo cars vòm lò cao sử dụng điện”.
Năm 2017, Tổ hợp Dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin Nhân Cơ đi vào vận hành thương mại. Hiện nay, Việt Nam đang làm chủ công nghệ khai thác và chế biến bô xít. Theo Viện nghiên cứu cơ khí, năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất alumin với nguồn nhân lực trẻ, đồng thời, thu hút được nhà đầu tư để bước đầu hình thành ngành công nghiệp alumin và luyện nhôm, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, thiết bị và hóa chất phụ trợ.
Không chỉ riêng bô xít, Việt Nam còn “đất hiếm” là kho báu cũng có trữ lượng đứng thứ 2 thế giới. Theo ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết: “ước tính trữ lượng đất hiếm của Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn (chiếm hơn 18% trữ lượng đất hiếm thế giới), đứng thứ hai thế giới”.
Đất hiếm là một loại khoáng sản chứa 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Nguyên tố trong đất hiếm là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như: “Điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang”.
Với “kho báu” khổng lồ này có lẽ sẽ góp phần vô cùng quan trọng giúp Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…
Một “kho báu” khác của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới
Ngoài Bô xít và đất hiếm là “2 kho báu” lớn của Việt Nam đều đứng thứ 2 thế giới như đã nêu trên, thì Việt Nam còn có một kho báu khác đứng thứ 3 thế giới. Đó chính là “vonfram”.
Hình ảnh minh hoạ về vonfram. |
Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho biết: “Việt Nam có trữ lượng vonfram đạt khoảng 100 nghìn tấn, đứng thứ 3 thế giới”. Vonfram là loại kim loại gần như không thể thay thế trong một loạt các ứng dụng công nghiệp như sản xuất máy hiệu suất cao và các hợp kim thép, với vai trò được dùng làm vật liệu chống mài mòn, sử dụng trong các ngành công nghiệp gia công kim loại, khai thác mỏ, dầu khí và xây dựng. Đặc biệt, vonfram còn được sử dụng trong các ngành công nghiệp như: “ô tô, năng lượng, xây dựng, hàng không vũ trụ cũng như các ứng dụng quân sự, hàng không và sản xuất điện”...
Trên thực tế, Thái Nguyên là tỉnh đang nắm giữ 90% trữ lượng vonfram của Việt Nam. Điển hình là mỏ vonfram đa kim trữ lượng lớn nhất cả nước và lớn thứ ba thế giới ở khu vực Núi Pháo (huyện Đại Từ). Trong những năm gần đây, sản lượng vonfram từ mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu nếu không tính nguồn cung từ Trung Quốc, có quy mô lớn thứ 2 thế giới. Đây là một trong những mỏ có trữ lượng vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới ở ngoài Trung Quốc, với 52,5 triệu tấn quặng WO3 phẩm cấp trung bình 0,21%.
Ngoài những “kho báu” như đã nêu trên, Việt Nam còn có nhiều các loại tài nguyên khoáng sản khác với khối lượng khổng, gồm: “Dầu khí, than đá, apatit, quặng titan, uranium” vv…Với những “kho báu” này có lẽ sẽ trở thành một những hạt nhân quan trọng giúp “Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” không còn xa…