Đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của hơn 335.000 người
Năm 2020 đã khởi đầu bằng phiên tòa luận tội đối với Tổng thống Donald Trump, vốn được Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát chính thức khởi động từ ngày 24/12/2019. Mặc dù sau gần hai tuần tranh tụng và xét xử, ông Trump đã được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát “tha bổng” đối với cả hai tội danh lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội, song đây là tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị Quốc hội luận tội. Phiên tòa luận tội càng khoét sâu hơn nữa tình trạng mâu thuẫn đảng phái và sự chia rẽ kéo dài trong đời sống chính trị nước Mỹ.
Khi Nhà Trắng và Quốc hội còn đang bị cuốn vào phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump, virus SARS-CoV-2 đã “âm thầm” xâm nhập vào nước Mỹ từ ngày 21/1/2020, nếu đúng như xác định của Đại học Johns Hopkins đến thời điểm hiện tại. Dù đã được cộng đồng tình báo, đội ngũ cố vấn thân cận cảnh báo về mối hiểm nguy của chủng virus mới, song có thể một mặt do bị phân tâm bởi phiên tòa luận tội, mặt khác là đặc tính luôn xem nhẹ mọi vấn đề của ông chủ Nhà Trắng, nên số ca mắc Covid-19 từ chỗ tăng theo cấp số cộng trong một vài tuần đầu tiên, sau đó các “cột mốc buồn” từ một triệu, năm triệu rồi mười triệu chẳng mấy chốc đã bị phá vỡ.
Vào tuần thứ hai của tháng Ba, hàng nghìn người Mỹ đã phải nhập viện với các triệu chứng mắc Covid-19 nghiêm trọng và nhiều tiểu bang phải đóng cửa các cơ sở kinh doanh không cần thiết để hạn chế chế dịch bệnh lây lan. Một thời gian sau, Mỹ ghi nhận hàng trăm ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày, phần lớn tại thành phố New York, nơi trở thành tâm dịch Covid-19 lớn nhất tại Mỹ.
Ngày 13/3, Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do sự bùng phát của dịch Covid-19. Chỉ chưa đầy 2 tuần sau, Mỹ trở thành quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất trên thế giới, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Bất chấp nguy cơ số ca mắc bệnh ngày càng gia tăng, ông Trump đã từ chối đưa ra chỉ thị yêu cầu người dân Mỹ phải đeo khẩu trang và cho rằng, Covid-19 không nghiêm trọng hơn dịch cúm mùa.
Đến cuối tháng 5, Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người và khiến hàng triệu người thất nghiệp tại Mỹ.
Trong mùa hè, các tiểu bang trên khắp nước Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19 sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế.
Khi mùa thu đến gần, các trường học, cơ sở thể thao, cơ sở kinh doanh và dịch vụ khác đã mở cửa trở lại, tuy nhiên, số ca nhiễm virus tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là ở khu vực Trung Tây. Đây cũng là thời điểm Tổng thống Trump mắc Covid-19 và phải nhập viện.
Ngày 2/10, ông Trump được đưa đến Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed sau khi được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng thống Trump rời bệnh viện sau 4 ngày nhập viện và trở về Nhà Trắng để tiếp tục điều trị.
Trong tháng 12, Mỹ ghi nhận trung bình hơn 100.000 ca nhiễm virus mỗi ngày và có ngày lên tới hơn 200.000 ca mắc mới.
Ngày 14/12, Mỹ bước vào một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Những liều vaccine đầu tiên sẽ ưu tiên cho nhân viên y tế và những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao. Chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ có thêm sự hỗ trợ của một loại vaccine do Moderna phát triển, đã được tiêm cho các bệnh nhân bắt đầu từ ngày 21/12.
Đến thời điểm hiện tại đã có 19,4 triệu trường hợp mắc bệnh đã được xác nhận và hơn 335.000 người tử vong vì Covid-19. Mặc dù nhỏ bé song virus SARS-CoV-2 đã đẩy siêu cường số một thế giới cùng lúc rơi vào ba cuộc khủng hoảng, bao gồm y tế công cộng, bất ổn xã hội và suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Theo ABC News, các chuyên gia y tế dự đoán rằng, cuộc sống của người dân Mỹ chưa thể quay trở lại bình thường cho đến cuối năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Những thay đổi về chính trị
Như đã nói ở trên, Tổng thống Trump bước vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ với một phiên luận tội. Ông là tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội.
Tổng thống Trump bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở công lý khi gây sức ép buộc các quan chức Ukraine phải điều tra ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.
Sau một phiên tòa kéo dài gần 3 tuần, Thượng viện Mỹ đã ra phán quyết Tổng thống Trump trắng án về cả hai tội danh.
Đây cũng là thời điểm cuộc đua giữa các ứng viên đảng Dân chủ cho chiếc ghế tổng thống nóng dần lên. Một số ứng viên đã rất quyết liệt trong cuộc tranh cử vào tháng 2, trong đó có Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, những người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire.
Tuy nhiên, ông Joe Biden, người lép vế trong các cuộc thăm dò và các cuộc tranh cử đầu năm 2020, đã nhận được sự ủng hộ từ Hạ nghị sĩ Jim Clyburn của bang Nam Carolina. Điều này đã giúp ông Biden lật ngược tình thế. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nam Carolina, ông Biden tiếp tục giành được 10 bang vào ngày Siêu thứ Ba (3/3) và 5 bang nữa vào một tuần sau đó.
Đến tháng 4, tất cả các đối thủ của ông Biden đều rút lui khỏi cuộc đua và ông Biden trở thành đối thủ duy nhất của ông Trump. Do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ, ông Biden đã chuyển sang các bài phát biểu trực tuyến từ quê nhà Delaware và kêu gọi người dân Mỹ tuân thủ hướng dẫn phòng dịch Covid-19 của các chuyên gia y tế.
Khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng vào đầu mùa hè, ông Trump và ông Biden bắt đầu khởi động các cuộc vận động tranh cử.
Tuy nhiên, có một sự đối lập rõ ràng giữa hai ứng viên tổng thống. Ông Biden đeo khẩu trang, tuân thủ các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 và không tổ chức các cuộc vận động tranh cử quy mô lớn. Trong khi đó, ông Trump đã không đeo khẩu trang cho đến tháng 7. Đồng thời, Tổng thống Trump luôn kêu gọi mở cửa lại doanh nghiệp và trường học. Ông Trump đã tổ chức các cuộc vận động tranh cử lớn, bất chấp yêu cầu không tụ tập đông người ở một số tiểu bang.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, các tiểu bang đã thực hiện bỏ phiếu qua thư để người dẫn tránh tập trung đông đúc tại các địa điểm bỏ phiếu và giảm khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Sự thay đổi về hình thức bỏ phiếu đã gia tăng chia rẽ trong khu vực bầu cử khi Tổng thống Trump đã đưa ra những tuyên bố không có cơ sở về gian lận phiếu bầu qua thư. Theo ABC News, số cử tri đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đạt mức cao kỷ lục.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 được đánh giá là mang tính lịch sử bởi nhiều yếu tố. Vào ngày 11/8, một tuần trước cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, ông Biden thông báo chọn thượng nghị sĩ Kamala Harris của bang California làm đối tác tranh cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Bà Kamala Harris đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên của Mỹ được chọn đứng chung liên danh tranh cử tổng thống của một chính đảng lớn.
Khi cuộc bỏ phiếu ngày 3/11 kết thúc, kết quả bầu cử năm 2020 vẫn chưa ngã ngũ do một số bang chiến địa quan trọng như Pennsylvania, Arizona và Michigan chưa hoàn thành việc kiểm phiếu.
Đến ngày 7/11, nhiều hãng truyền thông Mỹ tuyên bố ông Biden là người chiến thắng khi giành được số phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành tổng thống.
Tổng thống Trump và đội ngũ pháp lý của ông đã thách thức kết quả bầu cử ở một số bang chiến địa nhưng liên tục thất bại khi hàng chục vụ kiện bị các tòa án cấp liên bang và tiểu bang bác bỏ vì thiếu bằng chứng.
Ngày 14/12, Đại cử tri đoàn đã xác nhận ông Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Cái chết của người người đàn ông da màu George Floyd
Không dừng lại ở đó, 2020 còn là năm gắn liền với những tháng, ngày tồi tệ của tình trạng phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Dù vẫn tồn tại âm ỉ trong lòng xã hội nước Mỹ hàng thập kỷ qua, song sự kiện người đàn ông da màu George Floyd bị viên cảnh sát Derak Chauvin ghì cổ đến chết ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota đêm 25/5, đã thổi bùng “ngọn lửa tức giận” trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi nói riêng, các sắc dân thiểu số nói chung và gây chấn động toàn nước Mỹ.
Sự kiện đó đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối hành động tàn bạo của lực lượng cảnh sát và tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng tồi tệ tại Mỹ. Những cuộc biểu tình tập trung tại vùng đô thị ở hầu hết các bang và vùng lãnh thổ trên toàn nước Mỹ do phong trào “Black Lives Matter” đứng đầu, diễn ra cơ bản ôn hòa vào thời gian đầu, nhưng sau đó biến thành hành động cướp phá, hôi của và nhuốm màu bạo lực trong các cuộc đối đầu với lực lượng thực thi pháp luật, cũng như những đối tượng thuộc nhóm “da trắng thượng đẳng” vốn luôn mang trong mình tư tưởng kỳ thị và bài ngoại.
Hậu quả từ phong trào biểu tình đó còn dẫn đến nhiều tượng đài của các tướng lĩnh, thậm chí là cả các tổng thống Mỹ bị phá bỏ ở rất nhiều nơi, và tên tuổi của họ gắn liền với các trường đại học, cao đẳng hay thư viện nổi tiếng đã bị thay đổi. Các cuộc biểu tình tại Mỹ cũng nhanh chóng lan sang nhiều nước trên khắp các châu lục trên thế giới, gây rối loạn, bất ổn xã hội nghiêm trọng. Hiện tại, tình hình dường như tạm lắng, song có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào.
Thảm họa thiên nhiên
Ngoài đại dịch Covid-19, biểu tình chống phân biệt chủng tộc và biến động chính trị, những thay đổi về môi trường đã dẫn đến những thảm họa thiên nhiên gây tổn thất nghiêm trọng trên cả hai bờ Đông – Tây nước Mỹ vào năm 2020.
Các quan chức cho biết, nhiệt độ cao, gió mạnh và lượng mưa thấp đã làm bùng phát các đám cháy rừng ở Bờ Tây nước Mỹ vào mùa xuân và mùa hè năm nay.
Theo Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California, các vụ cháy rừng đã thiêu rụi khoảng 1,6 triệu ha rừng, làm hư hại hơn 10.000 công trình kiến trúc và cướp đi sinh mạng của 31 người.
Trong đó, đáng chú ý là August Complex, đám cháy lớn nhất trong lịch sử bang California, đã thiêu rụi hơn 400.000 ha rừng và buộc hàng nghìn người phải sơ tán.
Trong khi Bờ Tây phải chiến đấu với hàng loạt vụ cháy rừng, người dân ở Bờ Đông nước Mỹ phải hứng chịu những cơn bão ven biển nguy hiểm.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, mùa mưa bão năm 2020 đã lập kỷ lục khi có 30 cơn bão nhiệt đới được đặt tên đã hoành hành khắp các khu vực Đông Nam nước Mỹ, vùng Caribe và Trung Mỹ.
Bão Laura là một trong những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp nhất đổ bộ vào Mỹ. Cơn bão cấp 4 đã đổ bộ vào các bang ven biển Vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ vào cuối tháng 8, cướp đi sinh mạng của 39 người và gây ra nhiều thiệt hại, khiến hàng trăm nghìn hộ gia đình mất điện, nhiều khu vực bị ngập lụt và nhà cửa bị phá hủy.
Những ưu tiên cấp bách
Tuy nhiên, có thể khẳng định ngay từ thời điểm này, dù chủ nhân Nhà Trắng có thay đổi, chính quyền của họ cũng phải đối diện với những khó khăn chồng chất, những thách thức lớn cả về chính sách đối nội và đối ngoại mà không dễ gì có thể vượt qua sau khi năm 2020 chính thức khép lại.
Ưu tiên số một của chính quyền kế tiếp là phải đưa nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng y tế công cộng nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ và qua đó từng bước vực dậy nền kinh tế số một thế giới đã bị “tàn phá nặng nề” bởi đại dịch Covid-19. Đây thực sự là thách thức lớn nhất, cuộc chiến tổn hao nhất cả về sinh mạng và tài chính, đòi hỏi sự nỗ lực và đồng thuận lớn nhất của lưỡng đảng cũng như đông đảo người dân Mỹ. Nhưng điều đó không thể xảy ra chừng nào công chúng Mỹ chưa thể tiếp cận được các loại vaccine ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả trên diện rộng.
Ưu tiên số hai là nhanh chóng kiện toàn nhân sự của bộ máy cơ quan công quyền, song phải đại diện cho sự đa dạng của dân số Mỹ và qua đó có thể hy vọng từng bước hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong đời sống chính trị-xã hội, đồng thời xoa dịu những bất đồng đảng phái ngày càng nghiêm trọng.
Ưu tiên số ba song không kém phần quan trọng đó là sớm khôi phục vị thế của Washington trên trường quốc tế bằng cách đưa nước Mỹ tham gia trở lại các thỏa thuận quốc tế và khu vực, nhất là Hiệp định Paris về biến đối khí hậu; tái gia nhập và tăng cường can dự vào các định chế quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc,…
Chính quyền mới cũng phải nhanh chóng bổ nhiệm các nhà ngoại giao chuyên nghiệp làm đại sứ, tổng lãnh sự tại các địa bàn trọng yếu để từ đó hàn gắn những rạn nứt sâu rộng trong quan hệ với các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới, vốn bị tổn hại nghiêm trọng trong bốn năm vừa qua, đồng thời từng bước khôi phục vai trò dẫn dắt, uy tín và sự tin tưởng vào nước Mỹ.
Tựu chung lại, 2020 có thể coi là một trong số các năm bất ổn, tồi tệ, đầy rẫy “kỷ lục buồn” và chắc chắn không dễ phai mờ trong tâm trí của các chính trị gia cùng người dân Mỹ trong nhiều năm nữa. Các sử gia Mỹ sẽ có vô số điều cần ghi tạc cho các thế hệ mai sau. Nguyên nhân chính dẫn đến việc 2020 là một năm đầy trắc trở chính là đại dịch Covid-19. Do vậy, giành chiến thắng trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 cũng chính là điểm tựa để “đưa nước Mỹ trở lại” như tuyên bố của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
TH