Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp

23:10 03/12/2021

Theo báo cáo, ngân hàng là nhóm có lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường với 34% tổng lượng phát hành, tương đương 168.300 tỷ đồng.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo cập nhật về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm của các doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay đã đạt trên 495.000 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, tương đương gần 468.000 tỷ, còn lại là trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng.

Theo báo cáo, ngân hàng là nhóm có lượng phát hành lớn nhất trên thị trường với 34% tổng lượng phát hành, tương đương 168.300 tỷ đồng (xấp xỉ 7,4 tỷ USD quy đổi). Xếp sau là nhóm doanh nghiệp bất động sản với 27,7%, tương đương gần tỷ USD.

Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hồi cuối tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Đáng chú ý, thông tư mới quy định các tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng  trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Quy định mới của NHNN được ban hành trong bối cảnh thị trường trái phiếu liên tục tăng trưởng nóng trong thời gian gần đây.

Phân tích cụ thể ba thay đổi lớn nhất mà Thông tư mới quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp gồm: Thứ nhất, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

Thứ hai, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Thứ ba, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Có tới gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là do các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã mua vào 124,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 27,3%; các công ty chứng khoán mua 148,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 32,6%. Đây là số liệu được  cập nhật trong báo cáo “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, do Công ty CP Chứng khoán SSI vừa công bố. 

Trái phiếu doanh nghiệp có thể là một cách để các ngân hàng lách cho vay doanh nghiệp bất động sản, vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải  trích lập dự phòng rủi ro, vừa giúp bảng cân đối tài chính trở nên hợp lý. Còn về phía doanh nghiệp, nếu đến kì hạn vay không có tiền trả nợ thì phát hành trái phiếu sẽ giúp trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng.

Linh Anh