Nhìn từ một “miếng ăn sạch”…

16:34 21/09/2022

Dư luận những ngày qua đang xôn xao bởi thông tin một số siêu thị tiện lợi “bị lật tẩy” khi đưa các loại rau không đủ tiêu chuẩn vào bán cho người tiêu dùng. Đặc biệt, phản ứng dư luận với việc các siêu thị này tuyên bố dừng hợp tác với đơn vị cung ứng, chứ không đề cập đến trách nhiệm đã có của mình, là khá gay gắt. Bởi người ta cho rằng, xã hội không chỉ cần một “miếng ăn sạch” mà cần hơn, những cách hành xử, xử lý “sạch” cả về trách nhiệm lẫn đạo đức.

Điều chúng ta cần, đâu chỉ là một
Điều chúng ta cần, đâu chỉ là một "miếng ăn sạch".Ảnh minh họa.

Chia sẻ của một số người trên mạng xã hội cho thấy, họ không đồng ý với cách ứng xử “phần ngọn” của các bên kinh doanh. Đành rằng việc đưa các loại rau nhập nhèm nguồn gốc vào, là của một bên thứ ba, song bản thân các siêu thị, vì những cam kết ngay từ đầu với khách hàng, với người tiêu dùng, không thể nói chỉ chịu trách nhiệm với sự việc hiện hữu. Sâu xa hơn, các siêu thị, các tổ chức kinh doanh, phải có trách nhiệm hồi tố, truy ngược lại thời gian qua, những sai phạm đã có, ảnh hưởng thế nào đến người tiêu dùng, và dù không có sự việc gì đáng tiếc xảy ra, người kinh doanh cũng đang nợ người tiêu dùng một lời xin lỗi, một thái độ xin lỗi đàng hoàng.

Đó là trách nhiệm, cũng là biểu hiện thỏa đáng, một cách hành xử có văn hóa và lịch sự, một cách văn minh, mà trong những sách vở kinh doanh cơ bản nhất, người ta cũng dễ dàng đọc thấy.

Sự thật với xã hội chúng ta lâu nay, một số mặt ảnh hưởng tiêu cực từ cơ chế thị trường là có thật, là khó tránh khỏi. Nhưng điều ấy không đủ, và không nên để khỏa lấp đi những vấn đề trách nhiệm đạo đức, ứng xử văn hóa với cộng đồng xã hội, mà bất kỳ ai cũng phải chấp hành.

Lĩnh vực thực phẩm, từ lâu nay, lại càng là một địa hạt có nhiều vi phạm như vậy. Từ những món ăn vỉa hè gây ngộ độc, đến những bữa ăn trong nhà hàng bị phát hiện có vấn đề, rồi những quán ăn “chặt chém du khách”, những hàng quán hành xử côn đồ với thực khách…, tất cả tạo nên một bối cảnh nhiễu nhương và băng hoại đạo đức trong lối sống con người. Dư luận mỗi lần có việc, lại ồn ào lên án, tố cáo, song lại đi vào im lặng, và cả thỏa hiệp để sự việc trôi qua. Cứ như vậy, con người khi đối diện một vấn đề bức xúc, liên quan đến trách nhiệm và năng lực đạo đức, sẽ như vô cảm và bất lực, “nhún vai thở dài” mà thôi.

Sự việc những bó rau nhập nhèm nhãn mác, tiêu chuẩn ở các siêu thị, vì thế sẽ rất nhanh chóng bị lãng quên, nếu cộng đồng không thực sự quan tâm lên tiếng, và các cơ quan chức năng không chủ động vào cuộc. Thái độ lên án của cộng đồng sẽ mãi mãi chỉ dừng lại ở “vài tràng vỗ tay lẹt đẹt”, mà không phải là một cách đối thoại nghiêm chỉnh hơn, từ cộng đồng đạo đức xã hội.

Nếu chỉ nhìn vấn đề từ một “miếng ăn sạch”, chúng ta sẽ đánh mất đi rất nhiều giá trị khác, những giá trị văn hóa và trách nhiệm trường tồn!

Nguyên Đức