Nhìn lại từng bước sụp đổ của Evergrande đã tạo ra cơn chấn động khắp Trung Quốc như thế nào

11:48 26/09/2021

Mọi sự chú ý hiện đổ dồn vào động thái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với nhiều kì vọng Chính phủ sẽ can thiệp bảo vệ các chủ nợ quy mô nhỏ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Vào tháng 5 năm 2020, một người tên Chen (nhân vật đã được đổi tên) quyết định đầu tư 300.000 Nhân dân tệ (34.000 bảng Anh) vào bất động sản ở thành phố Thẩm Dương, phía Đông Bắc Trung Quốc. “Tôi nghĩ rằng giá không quá đắt và giờ tôi có thêm một khoản tiền nên đã đầu tư. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi vì Evergrande là một doanh nghiệp và tên tuổi lớn như vậy mà”, người này chia sẻ. Chen đã theo bước chân của vô số người Trung Quốc tham gia vào thị trường bất động sản đang bùng nổ, biến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải trở thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, trong bối cảnh dân số di cư nội địa từ nông thôn ra thành thị chưa bao giờ giảm nhiệt. Nhưng trong 16 tháng kể từ khi Chen mua căn hộ, Evergrande - một công ty nằm trong danh sách Fortune Global 500 đã trở thành nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất đất nước, với khoản nợ hơn 300 tỷ đô la (220 tỷ bảng Anh), hàng chục dự án khu dân cư bị đình trệ và ước tính khoảng 1,5 triệu căn hộ chưa hoàn thành cần giao cho các nhà đầu tư.

Sự sụp đổ tiềm tàng - đỉnh điểm của nhiều năm vay nợ đã gây ra những làn sóng chấn động trong lĩnh vực tài chính và bất động sản, đồng thời gây ra lo ngại ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tài chính của Trung Quốc, thậm chí cả thị trường quốc tế. Cũng có những lo ngại về việc sự vụ sẽ tác động như thế nào đến giá quặng sắt. Thứ năm, cơ quan Xếp hạng Fitch đã hạ cấp dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nói rằng “yếu tố chính ảnh hưởng đến triển vọng là sự chậm lại trong lĩnh vực bất động sản”.

Hai tuần trước, Evergrande đã đưa ra một tuyên bố công khai, thừa nhận rằng họ đang phải đối mặt với “những khó khăn chưa từng có” và đã thuê các nhà tư vấn tái cấu trúc nhưng vấp phải suy đoán phá sản. Cho đến thứ Tư tình hình có vẻ sáng sủa hơn khi công ty thông báo đã đạt được thỏa thuận trả lãi cho một trái phiếu trong nước đến hạn vào thứ Năm. Nhưng cuối cùng Evergrande đã không công bố khoản thanh toán 83,5 triệu đô la lãi suất cho các chủ sở hữu trái phiếu vào cùng ngày. Và khi sự im lặng tiếp tục kéo dài sang thứ Sáu, lo lắng càng tăng lên bởi có báo cáo cho thấy mảng kinh doanh xe điện của tập đoàn đã không trả các khoản thanh toán cho các nhà cung cấp cũng như lương của một số nhân viên.

Michel Löwy, Giám đốc điều hành của Tập đoàn ngân hàng toàn cầu SC Lowy cho biết: “Tôi không thấy bất kỳ giải pháp thay thế nào cho công ty ngoài việc thực hiện một số hình thức tái cơ cấu nợ, điều này sẽ liên quan đến việc giãn nợ đáng kể, có khả năng là hoán đổi nợ lấy vốn chủ sở hữu. Cuộc khủng hoảng của Evergrande không phải không có tín hiệu báo trước. Trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã siết chặt toàn bộ thị trường bất động sản của đất nước, được Goldman Sachs định giá 52 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2019. Trên khắp Trung Quốc, hàng chục tòa nhà cao tầng liên tục mọc lên, trải dài khắp không gian rộng lớn  bằng cả vài sân bóng đá. Việc gấp rút xây dựng đã gây ra nhiều vấn đề, bao gồm rủi ro tài chính, xây dựng kém - được thể hiện rõ ràng trong đoạn phim lan truyền về vụ phá dỡ hàng loạt 15 tòa nhà cao tầng ở thành phố Côn Minh và tình trạng cung vượt cầu khổng lồ. Giá trị bán nhà đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái do các quy định khắt khe hơn.

Tháng 8 năm ngoái, trước những lo ngại ngày càng tăng về thị trường bất động sản, chính phủ đã đưa ra tỷ lệ giới hạn nợ, được gọi là “ba ranh giới đỏ”. Nhà kinh tế học George Magnus, một cộng sự tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford, phân tích “ba ranh giới đỏ” không phải là “đòn sát thủ” đối với ngành, “nhưng chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng tài chính mà nhiều nhà phát triển đang gặp phải trong một bất động sản suy yếu về cấu trúc”.

Tháng 11 năm 2018, Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc đã nêu tên công ty trong một báo cáo là một trong số ít các tập đoàn nắm giữ tài chính có thể gây ra rủi ro hệ thống. Vào tháng 3 năm 2020, công ty đặt mục tiêu cắt giảm khoản nợ 23,3 tỷ đô la một năm trong ba năm và vào tháng 8 là một trong số 12 nhà phát triển lớn được gọi đến để “trao đổi” với các nhà quản lý về ba ranh giới đỏ mới. Trong năm tiếp theo, Evergrande đã gấp rút bán các doanh nghiệp con, phát hành lần đầu ra công chúng và thúc đẩy các nhà đầu tư, huy động hàng chục tỷ đô la cũng như giảm giá sâu các bất động sản nhằm tăng doanh số bán hàng, đồng thời đặt mục tiêu đạt cả ba ranh giới đỏ vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo viện nghiên cứu Beike, công ty đã không đạt được hai mục tiêu mặc dù đã trả được một số khoản nợ.

Với việc các chủ nợ trên toàn cầu đang vò đầu bứt tai, câu chuyện của những nhà đầu tư nhỏ lẻ mới là những trường hợp gây sốc nhất. Đầu năm nay, các nhân viên tại Evergrande và một số công ty con được cho là đã cho công ty vay ngắn hạn từ nguồn tài chính cá nhân hoặc tiền thưởng của họ, số khác vay từ bạn bè và gia đình. Hiện đây là nhóm người đã phải đi khắp các văn phòng của công ty trên toàn quốc để đòi tiền. Cùng với các nhà cung cấp bị bùng nợ, những nhà đầu tư nhỏ lẻ gây sức ép bằng cách biểu tình trước trụ sở chính tại Thâm Quyến của Evergrande đòi trả lại số tiền mà họ kiếm được bằng “máu và mồ hôi”. Một người phụ nữ vô cùng đau khổ nói: “Lương tâm của họ (công ty) không còn rồi. Chúng tôi đã bán tất cả những gì chúng tôi có, bán cả hai căn để mua tài sản của Evergrande, chúng tôi tin tưởng vì đây là một trong 500 công ty hàng đầu thế giới. Tôi không còn gì cả”.

Thứ Năm, Chủ tịch của Evergrande, Xu Jiayin, cho biết, công ty đang ưu tiên đảm bảo rằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể mua lại sản phẩm đầu tư của chính mình. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm 110 tỷ Nhân dân tệ thanh khoản ngắn hạn vào hệ thống tài chính trong cùng ngày, số tiền lớn nhất trong 8 tháng qua theo sau các đợt trước đó trong ba phiên liên tiếp để đối phó với những lo ngại của thị trường về Evergrande. Có rất nhiều đồn đoán về việc liệu chính quyền Trung ương có can thiệp hay không. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tư nhân của đất nước. Mọi ngành nghề, từ những gã khổng lồ công nghệ, các ông trùm tư nhân, giáo dục tư nhân và mạng xã hội cho đến các ứng dụng gọi xe, nền tảng phát trực tuyến và kinh doanh giải trí, thậm chí giới diễn viên và nghệ sĩ đều đã phải trải qua các cuộc đại tu theo quy định.

Một yếu tố phổ biến trong các lĩnh vực này là sự mở rộng về tài chính và ảnh hưởng vượt ra khỏi giới hạn do Đảng đặt ra và cách mong đợi xã hội Trung Quốc vận hành. Ban lãnh đạo Trung Quốc đã lên tiếng về niềm tin rằng nhà là để ở chứ không phải để đầu tư, vì đây là động thái hướng tới mục tiêu quốc gia “thịnh vượng chung”. Magnus dự đoán sự can thiệp của chính phủ, lưu ý rằng các nhà chức trách muốn đưa ra một ví dụ về Evergrande cho các ngân hàng, nhà phát triển và nhà đầu tư khác, nhưng cũng không thể cho phép “một vụ vỡ nợ lộn xộn trong đó công dân mất tiền, cuộc khủng hoảng lây lan”. Ông nói: “Tôi tưởng tượng sớm hay muộn thì các ngân hàng và tổ chức sẽ tiếp nhận các khoản nợ và tài sản nhà ở, các chủ đầu tư khác cũng sẽ tiếp nhận tài sản. Việc tái cơ cấu sẽ chủ yếu nhằm mục đích phân chia các khoản nợ của Evergrande cho các công ty mạnh hơn”.

Người đàn ông ở đầu câu chuyện sau nhiều ngày nghe ngóng tin tức hiện không còn lo ngại về rủi ro đối với khoản đầu tư của mình và tin tưởng rằng anh sẽ nhận được căn hộ. “Với tôi mà nói thì càng sớm càng tốt. Nếu họ bàn giao muộn hơn thì cũng không thành vấn đề. Nhưng nếu họ không bàn giao tất cả thì tôi biết giận dữ cũng chẳng được lợi gì”, anh thở dài.

TL