Tiếp nối thành công của các Lễ hội Sâm Ngọc Linh trước, huyện Nam Trà My tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ IV năm 2022 với chủ đề ‘Ngọc Linh mời gọi’. “Lễ hội lần này nhằm quảng bá, tôn vinh những giá trị, truyền thống tốt đẹp của vùng đất con người, các dân tộc Nam Trà My, về sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, một loại cây dược liệu quý, hiếm của nước ta đã được công nhận là bảo vật quốc gia đến với mọi miền đất nước và quốc tế, qua đó nhằm khẳng định thương hiệu Sâm Việt Nam giá trị kinh tế cao, sánh ngang những loại sâm trên thế giới như sâm Hàn quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada….”
Chương trình lễ hội lần này sẽ có nhiều hoạt động phong phú đa dạng như: Phiên chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi tỉnh Quảng Nam; tổ chức cuộc thi sáng tác nhạc - ảnh nghệ thuật về các loại cây dược liệu, thiên nhiên, vùng đất, văn hóa và con người huyện Nam Trà My; trưng bày, triển lãm ảnh nghệ thuật về sâm Ngọc Linh, cây dược liệu và thắng cảnh, văn hóa; hội thi sâm Ngọc Linh; tổ chức hội trại và các trò chơi dân gian; liên hoan cồng chiêng; chương trình nghệ thuật "Ngọc Linh mời gọi". Qua 3 lần tổ chức, Lễ hội sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My là điểm đến lý tưởng để du khách trong nước và quốc tế tìm về thiên nhiên trong lành, được hòa mình giữa đại ngàn và đặc biệt là tận mắt thấy, tay sờ vào cây sâm Ngọc Linh quý hiếm được mệnh danh là vàng xanh.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện nay tại huyện Nam Trà My, diện tích quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh trên 15.000 ha; đã thực hiện bảo tồn được 100 ha, tương đương với 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.500ha với hơn 1.250 hộ tham gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam- Hồ Quang Bửu cho rằng, sự kiện lần này có ý nghĩa to lớn đối với huyện Nam Trà My, giúp kích cầu tiêu thụ sản phẩm sâm Ngọc Linh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. “Huyện Nam Trà My cần tuyên truyền hơn nữa để người dân bảo vệ nguồn gen gốc, bảo vệ nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong nước mà còn phải hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, phát triển sản phẩm sâm theo hướng chế biến sâu để xuất khẩu”.
Tại phiên chợ, hàng hóa khá đa dạng đặc biệt là Sâm núi Ngọc Linh, có 19 gian hàng bán Sâm Ngọc Linh và 10 gian hàng nông sản, 4 gian hàng dược liệu và có 10 doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia. Các sản phẩm trước khi mang vào phiên chợ đều được Tổ thẩm định kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Lễ hội sâm Ngọc Linh Nam Trà My lần thứ IV năm 2022 cũng là dịp thưởng ngoạn, khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của núi rừng. Những giá trị đặc sắc về văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số: Xơ Đăng, Ca Dong, Bhơ Noong cùng với người Kinh đang chung sống ở huyện Nam Trà My.
Trọng Tâm - Ngô Hòa