Nhật Bản giữ ngôi vị đương kim về đầu tư ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam

22:20 09/03/2023

Trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 47,6 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 6,51% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Ngày 9/3, tại TPHCM, Bộ Công thương phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) tổ chức hội thảo “Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực. Những thành tựu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo nền tảng to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngành công nghiệp chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam.

Ngành công nghiệp chế tạo còn tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký, nhất là trong các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, điện tử - công nghệ thông tin, sản xuất thép, xi măng, dệt may, da giày... với sự xuất hiện của nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới như Tập đoàn Toyota, Honda, LG…

Năm 2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản đang đứng thứ hai với 4.690 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 62,9 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài phát biểu tại hội thảo
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài phát biểu tại hội thảo.

Đặc biệt, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam với việc là nhà tài trợ ODA lớn nhất. Trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 47,6 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 6,51% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu của Việt Nam đến Nhật Bản chiếm 6,5% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đến thế giới. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản chiếm 6,5% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.

Bà Lê Huyền Nga, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công thương, chia sẻ thêm, việc doanh nghiệp FDI đổ mạnh đầu tư vào ngành chế biến chế tạo tại Việt Nam vì tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không ngừng cải thiện. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển đổi năng lực sản xuất từ sản phẩm giản đơn sang cụm chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý để giúp doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm cơ chế ưu đãi, hỗ trợ hợp lý về tài chính, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, quản trị sản xuất đã sát nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp đầu tư ngành này sẽ được hỗ trợ tín dụng dưới 2 hình thức cấp bù lãi suất và hỗ trợ lãi vay với mức hỗ trợ 3%. Thực tế ghi nhận đã có 150 dự án công nghiệp hỗ trợ đã được thụ hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất tín dụng trên.

Tuy nhiên, dù chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Trong thời gian tới, cần thiết nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia. Trong đó, phải phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Cần có chính sách tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp kết hợp hình thành các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; những quy định về các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp cho các doanh nghiệp.

Mị Dung