Nhật Bản: Các nhà bán lẻ đưa ra kế hoạch mới đối phó lạm phát

17:32 30/03/2023

Cung cấp các sản phẩm với thương hiệu riêng là kế hoạch mới mà các nhà bán lẻ đã đưa ra để kích cầu giảm thiểu tác động của lạm phát. Kế hoạch tung ra các dòng sản phẩm có thương hiệu riêng sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sau khủng hoảng bong bóng kinh tế từ năm 1986 đến 1991, xã hội Nhật Bản phải đương đầu với rất nhiều khó khăn như mất việc, thu nhập thấp, khó thăng tiến… Sau COVID-19, Nhật Bản lại đối mặt khó khăn tương tự với làn sóng tăng giá liên tiếp, lạm phát tăng cao. 

Lạm phát khiến giá cả thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng tại Nhật Bản tăng cao. Điều này không chỉ tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, buộc một số các nhà bán lẻ đưa ra ý tưởng nhằm khắc phục khó khăn.

Với dự báo giá thực phẩm hàng hóa tại Nhật Bản có thể tiếp tục tăng do lạm phát, các nhà bán lẻ đã đưa ra kế hoạch mới đó là cung cấp các sản phẩm với thương hiệu riêng với với giá cạnh tranh để kích cầu giảm thiểu tác động của lạm phát.

Hãng bán lẻ Aeon thông báo họ sẽ phát hành những sản phẩm mới với thương hiệu riêng để thúc đẩy tiêu dùng và doanh thu cho các chuỗi siêu thị trên toàn quốc.

Trong 5.000 mặt hàng với thương hiệu riêng của Aeon, sẽ có 2.500 sản phẩm là sản phẩm với với giá tốt nhất. Mục tiêu của Aeon là đến tháng 2/2024, doanh thu sẽ tăng 19% đạt 1.000 tỷ Yên, khoảng 7,7 tỷ USD nhờ kế hoạch này .

Không chỉ Aeon mà những chuỗi bán lẻ khác cũng đã thực hiện xu hướng kích cầu tiêu dùng thông qua các sản phẩm với thương hiệu riêng.

Như chuỗi siêu thị Beisa có trụ sở tại tỉnh Gunma, có hơn 136 cửa hàng ở Tokyo và khu vực lân cận cũng đã đưa ra các sản phẩm thương hiệu riêng mới. Đầu tháng 3, họ đã đưa ra thêm 46 sản phẩm với thương hiệu riêng, đại diện của chuỗi siêu thị này cho biết các sản phẩm của siêu thị đã gây chú ý vì khách hàng không chỉ chú ý về giá, mà còn nhìn vào sự độc đáo của các sản phẩm mà họ mua.

Bí quyết để tạo ra các sản phẩm với giá cạnh tranh của các nhà bán lẻ chính là họ sẽ cùng các nhà sản xuất ký kết hợp đồng với số lượng lớn thông qua giao dịch trực tiếp, với giao dịch số lượng lớn này nguyên liệu đầu vào sẽ có giá rẻ lớn. Bên cạnh đó là nỗ lực giảm các chi phí phân phối, đơn giản hóa nhãn mác, bao bì … của doanh nghiệp.

Kế hoạch tung ra các dòng sản phẩm có thương hiệu riêng không chỉ mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng cũng như doanh thu cho các nhà bán lẻ mà còn tạo ra sự ổn định cho dây chuyền hoạt động của các nhà sản xuất với những hợp đồng sản xuất lớn.

Ngọc Phi (TH)