Nhãn, quýt, sen, khoai lang và cá lóc là sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thương hiệu của Đồng Tháp

10:56 12/06/2021

Tại báo cáo tổng kết thực hiện Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025; tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2025, ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông qua báo cáo với tọa đàm và đồng thời tiếp nhận ý kiến các chuyên gia về tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, với nhiều mô hình hay, sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Buổi tọa đàm đã đánh giá các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu sẵn, gồm quýt Lai Vung, nhãn Châu Thành, sen Tháp Mười, khoai lang và cá lóc là những sản phẩm nông nghiệp có giá trị thương phẩm cao, nhu cầu tiêu thụ thị trường tốt, khả năng xuất khẩu và hiệu quả kinh tế ổn định. 

Ông Huỳnh Minh Tuấn Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (bìa trái) trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiệp và bày tỏ mong muốn của Đồng Tháp về xây dựng “nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (bìa trái) trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiệp và bày tỏ mong muốn của Đồng Tháp về xây dựng “nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”.

Hiện tỉnh Đồng Tháp xây dựng thành công thương hiệu “Quýt Lai Vung”. Các nông hộ tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ như liên kết, hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời, Vin Eco…để cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ nông sản. Một số Hội quán trồng quýt đã ký tiêu thụ nông sản với các siêu thị, cửa hàng, bếp ăn. Nông dân đã liên kết tạo thành các vùng trồng quýt lớn như ở xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước của huyện Lai Vung. 

Quýt Lai Vung là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đồng Tháp
Quýt Lai Vung là một trong những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu của tỉnh Đồng Tháp. 

Tĩnh cũng Xây dựng được nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp”. Tổng diện tích nhãn được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa với 160 ha sản xuất đạt chuẩn VietGAP; vùng trồng được cấp mã số phục vụ nhu cầu xuất khẩu là 616ha và khoảng 17ha áp dụng hệ thống tưới phun tự động. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 1 HTX, 8 THT và 6 Hội quán liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp và hệ thống siêu thị (liên kết sản xuất và tiêu thụ với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T; hệ thống siêu thị Saigon Co.op).

Xây dựng thành công nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”, có 26 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sen được đánh giá 3-4 sao cùng nhiều sản phẩm chế biến từ sen, gồm rượu hồng sen tửu, sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen, gạo lức hạt sen Bích Chi…, từ đó nâng cao chuỗi giá trị sen Đồng Tháp, trở thành đặc sản nổi tiếng ở vùng đất Sen hồng.

Về sản phẩm khoai lang, tính đến năm 2020, tổng diện tích trồng khoai lang trên toàn tỉnh đạt 3.452 ha (giảm 198 ha so với năm 2015), năng suất đạt 89,5 tạ/ha, sản lượng đạt 44.078 tấn. Khoai lang đã tổ chức lại sản xuất với 02 Hợp tác xã (HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hòa An xã Hòa Tân; HTX Khoai lang xã Phú Long), 02 Hội quán đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng khoai lang của nông dân. Việc tiếp cận được nhiều thông tin thị trường, liên kết sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn ngày càng được nông dân chú trọng.

Ngoài ra, mặc dù đã có một số doanh nghiệp tiếp cận, điển hình như Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp ký kết thu mua khoai lang với sản lượng 2 tấn khoai thương phẩm/ngày, chế biến thành sản phẩm khoai lang sấy giòn (đã được chứng nhận sản phẩm 4 sao OCOP). Nhưng đầu ra sản phẩm khoai lang vẫn chưa bền vững, chưa chủ động ký kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp lớn, nông dân chủ yếu bán qua thương lái, nên đầu ra thiếu ổn định, điển hình như đợt dịch Covid đang xảy ra trên toàn cầu.

Về chăn nuôi, GTSX ngành chăn nuôi đến 2020 của tỉnh đạt 1.956 tỷ đồng, giảm 249 tỷ đồng so với 2015, trong đó, GTSX ngành bò chỉ đạt hơn 271 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng chăn nuôi, chỉ chiếm 1,9% về GTSX toàn ngành chăn nuôi, và đóng góp 11-15% sản lượng thịt trong tổng lượng thịt gia súc giai đoạn 2015 – 2019. Một số huyện (Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình) đã duy trì được chăn nuôi lâu năm với kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi khá tốt. Hệ thống chuồng trại và lò mổ ở các huyện này hiện đại, đáp ứng được nhu cầu cho thị trường tại chỗ và xuất bán thịt ra ngoại tỉnh. Chăn nuôi bò cũng cung cấp được nguồn phụ phẩm tốt, hỗ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, có thể phát triển chăn nuôi tuần hoàn.

Một sản phẩm về chăn nuôi có giá trị thương phẩm cao tỉnh Đồng Tháp đang có là cá lóc. Tỉnh có khoảng 200 ha nuôi cá lóc, tập trung tại huyện Hồng Ngự, Tam Nông và Cao Lãnh. Nhiều mô hình nuôi cá lóc như nuôi trong ao đất, ao nổi (nuôi bể bạt hoặc bể xi măng), vèo ao, vèo sông, lồng bè, tuy nhiên mô hình nuôi ao là phổ biến nhất, do nuôi lồng bè có chi phí cao, tỷ lệ hao hụt thức ăn lớn, tỷ lệ cá nhiễm dịch bệnh cao nên hiệu quả hạn chế, trong khi đó nuôi ao cho năng suất cao và ổn định.

Hiện, sản phẩm từ cá lóc được chế biến khá đa dạng, như khô cá lóc, cá lóc chà bông, mắm cá lóc, lạp xưởng từ cá lóc… 60% lượng cá khô sẽ được chuyển đến các cơ sở bán buôn (chợ đầu mối, vựa lớn) ở TP Hồ Chí Minh, khoảng 25% sẽ được phân phối cho các hộ bán lẻ ở địa phương, còn lại bán trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Campuchia, Thái Lan...

Theo các chuyên gia, về tổ chức sản xuất, Đồng Tháp cần tiếp tục đẩy mạnh rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, tăng quy mô sản xuất; nâng cao năng lực cho nông dân, hợp tác xã, hội quán; thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư. Để quản lý, điều hành, hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý phải có tư duy về kinh tế nông nghiệp và nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Các doanh nghiệp mong muốn chính quyền quan tâm đầu tư hạ tầng nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cấp tuyến đường giao thông để thuận tiện trong vận chuyển nông sản...

  Mỹ Dung - La Hằng