Nhà đồng sáng lập Ethereum quyên góp 1 tỷ đô la đồng Shiba inu cứu trợ Covid tại Ấn Độ

10:35 14/05/2021

Thứ tư vừa qua, Vitalik Buterin, nhà đồng sáng lập tiền điện tử Ethereum đã quyên góp số tiền điện tử trị giá 1,5 tỷ đô la cho một số tổ chức phi lợi nhuận trong đó bao gồm 1 tỷ đô la cho quỹ cứu trợ COVID-19 ở Ấn Độ.

Động thái của cha đẻ Ethereum được đánh giá là một trong những nỗ lực từ thiện cá nhân lớn nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, Buterin đã chuyển 500 ETH (Ethereum) và hơn 50 nghìn tỷ SHIB (Shiba Inu) trị giá khoảng 1,14 tỷ đô la vào thời điểm giao dịch cho quỹ cứu trợ tiền điện tử COVID của Ấn Độ. Giao dịch trên đã làm chấn động thị trường đầu tư, góp phần khiến giá đồng SHIB giảm hơn 35% vào thời điểm đó và tiếp tục dao động những ngày tiếp theo.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

SHIB, được đặt theo tên của chú chó Shiba Inu là một những loại tiền điện tử thay thế bùng nổ trong những tháng gần đây. SHIB đã thu hút thành công các nhà đầu tư bán lẻ ở Trung Quốc và các thị trường khác sau khi giá tiền điện tử Dogecoin tăng mạnh. Bên cạnh đó, đồng tiền in hình meme của chú chó Shiba Inu cũng đã thu được khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la trước khi sụp đổ những ngày vừa qua. Quỹ cứu trợ, cho đến nay đã sử dụng số tiền quyên góp trước đó để gửi bình oxy và các vật tư y tế khác đến các bệnh viện Ấn Độ. Hiện quỹ này cho biết họ có kế hoạch “chuyển đổi các khoản quyên góp từ từ trong khoảng một tháng” để đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

Buterin, gương mặt tỷ phú tiền điện tử trẻ nhất ở tuổi 27 đã chuyển cho Methuselah Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận 336 triệu đô la Ethereum và Dogelon Mars nhằm hỗ trợ nỗ lực trong các kỹ thuật y tế và pháp y học tái tạo.

Bên cạnh đó, anh cũng chuyển hơn 13.000 ETH cho tổ chức Givewell, một đơn vị quản lý các tổ chức từ thiện tốt nhất trên thế giới. Buterin cũng đã quyên góp cho Cộng đồng Gitcoin, MIRI và Viện thành phố Hiến chương.

Cho tới nay, Ấn Độ đã báo cáo hơn 350.000 ca nhiễm hàng ngày và hơn 3.500 ca tử vong trong hai tuần qua. Làn sóng vi rút Corona lần thứ hai đã phá vỡ hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia Nam Á, khiến vô số bệnh nhân phải tranh giành giường bệnh, ô xy y tế và các trang thiết bị khác. 

TL