Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định, ông Phạm Gia Túc vừa mới có buổi tiếp và làm việc với ông Akito Shiraishi, Phó Tổng quản lý Ban Kinh doanh hạ tầng tiếp vận Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long.
Tại buổi làm việc này, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh chủ động cung cấp các thông tin cần thiết cho phía Tập đoàn Sumitomo nghiên cứu, tìm hiểu được thuận lợi, các sở vật chất. Ngoài ra, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ giải quyết những khó khăn khi Tập đoàn có yêu cầu để mong muốn đầu tư vào tỉnh Nam Định của Tập đoàn Sumitomo được thuận lợi và sớm thành hiện thực.
Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định giai đoạn năm 2021 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Nam Định sẽ có thêm khoảng 10 khu công nghiệp. Đến năm 2050, dự kiến tổng số khu công nghiệp tại tỉnh Nam Định tăng lên 27 khu với tổng diện tích 6.721 ha.
Trong khi đó, ông Akito Shiraishi cho biết, Tập đoàn Sumitomo sẽ nghiên cứu để quyết định đầu tư một dự án khu công nghiệp tại Nam Định với quy mô từ 300 ha trở lên.
Theo tìm hiểu, Sumitomo Corporation được thành lập vào năm 1919 và đầu tư vào Việt Nam từ năm 1997 với việc thành lập KCN Thăng Long. Ngoài ra, Sumitomo còn đầu tư phát triển KCN Thăng Long II tại Hưng Yên, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện với tổng quy mô các dự án KCN của Tập đoàn trên 1.012 ha và tổng vốn đầu tư 404,1 triệu USD.
Bên cạnh đó, Sumitomo Corporation cũng được biết đến nhiều hơn thông qua việc hợp tác với Tập đoàn BRG để phát triển khu đô thị thông minh phía Bắc Hà Nội với tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, dự án sản xuất dây cáp điện ô tô tại Việt Nam của Sumitomo đã được cấp phép vào năm 2006 và được triển khai nhanh chóng sau đó. Sau nhiều lần đổ tiền để điều chỉnh dự án, giờ đây Sumitomo tiếp tục có động thái tích cực mới cho Việt Nam.
Ngoài ra, Sumitomo còn tham gia khá sâu vào lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam. Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - thành viên của Sumitomo sắp được VPBank phát hành riêng lẻ 15% cổ phần, sau khi mua lại 49% vốn FE Credit từ nhà băng này vào cuối năm 2021.
SMBC hồi đầu năm 2023 đã quyết định rút vốn khỏi Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (HoSE: EIB) và giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại EIB xuống dưới 5%, sau 16 năm làm cổ đông chiến lược tại nhà băng này (năm 2007).
Đối tác muốn cùng Sumitomo đầu tư khu công nghiệp ở Nam Định - Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long được thành lập vào tháng 5/2008, đóng trụ sở tại Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Tính đến tháng 2/2023, vốn điều lệ KCN Thăng Long gần 391,6 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Cơ khí Đông Anh Licogi (42%) và Summit Global Management II B.V (58%) - thành viên khác của Sumitomo.
Về phía CTCP Cơ khí Đông Anh Licogi, đây là công ty con của Tổng Công ty Licogi - CTCP. Tại thời điểm cuối quý II/2023, Licogi nắm 89,06% vốn Đông Anh Licogi.
Hiện tại, KCN Thăng Long đang nghiên cứu đầu tư hạ tầng khu công nghệ – đô thị – dịch vụ phía Tây TP. Thanh Hóa. Dự án nằm cách trung tâm TP.Thanh Hóa hiện tại khoảng 11,2 km về phía tây, vị trí quy hoạch khu công nghệ mới này thuộc các xã: Đồng Thắng, Đồng Lợi, Đồng Tiến (Triệu Sơn); Đông Yên, Đông Văn, Đông Thịnh (Đông Sơn) và xã Đông Tân, phường An Hưng (TP. Thanh Hóa).
Cách đây không lâu, Tập đoàn Sumitomo đã đến làm việc và ký kết Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa, Trung tâm tiếp vận và phát triển đô thị xung quanh khu công nghiệp.... Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến sẽ rót vào tỉnh này 9.500 tỷ đồng.
Ở Nhật Bản, Sumitomo là doanh nghiệp lớn mạnh top đầu đất nước. Đây là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, với tài sản lên đến hàng nghìn tỷ USD, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) là một ông hoàng của Nhật Bản ngành tài chính ngân hàng.
Nghệ Nhân