![]() |
Samsung giảm thị phần tại Việt Nam quý I . |
Báo cáo mới nhất từ Counterpoint Research cho thấy, thị trường smartphone tại Việt Nam trong quý I/2025 ghi nhận mức giảm 5% về lượng thiết bị xuất xưởng so với cùng kỳ năm trước. Điều này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng với GDP quý I đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, cho thấy sự chênh lệch giữa tăng trưởng kinh tế vĩ mô và tiêu dùng nội địa trong ngành hàng smartphone.
Dù các lĩnh vực như sản xuất và nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, sức mua trên thị trường smartphone lại có dấu hiệu chững lại, đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tháng 2, thời điểm vốn luôn trầm lắng chứng kiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số smartphone. Nhiều hộ gia đình ưu tiên tiết kiệm hoặc chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hơn.
Để đối phó với xu hướng tiêu dùng này, các hãng sản xuất điện thoại (OEM) đã tung ra loạt sản phẩm mới ngay trước Tết, trong khi các nhà bán lẻ đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ phần nào hạn chế đà suy giảm của toàn thị trường.
Samsung tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu tại thị trường smartphone Việt Nam với 28% thị phần trong quý I/2025. Tuy nhiên, con số này đã giảm nhẹ so với mức 31% cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân một phần đến từ việc dòng Galaxy S25 - sản phẩm chủ lực - ra mắt chậm do trùng dịp Tết, ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp thị. Dù vậy, Samsung nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng vào tháng 3 nhờ loạt thiết bị A series mới, đáp ứng tốt nhu cầu ở phân khúc tầm trung.
Xiaomi là thương hiệu gây chú ý nhất quý khi tăng trưởng tới 9%, nhảy từ vị trí thứ tư lên thứ hai. Sản phẩm Redmi Note 14 đạt hơn 350.000 đơn vị xuất xưởng chỉ trong quý này, cho thấy sức hút lớn từ người tiêu dùng. Thêm vào đó, việc ký kết thỏa thuận phân phối chiến lược với Thế Giới Di Động giúp Xiaomi mở rộng đáng kể danh mục sản phẩm, không chỉ giới hạn ở điện thoại mà còn bao gồm thiết bị điện tử, gia dụng,...
Apple cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 17% thị phần. Mặc dù mẫu iPhone 16e không tạo được hiệu ứng như kỳ vọng, dòng iPhone 16 Pro Max vẫn là sản phẩm bán chạy nhất nhờ các chương trình ưu đãi trong mùa Tết, chứng minh xu hướng người dùng Việt sẵn sàng chi nhiều hơn cho trải nghiệm cao cấp.
Trong khi đó, OPPO cũng có bước tiến khi tăng từ 15% lên 17% thị phần, ngang bằng với Apple. Hãng tiếp tục khẳng định vị thế ở phân khúc tầm trung với danh mục sản phẩm ổn định và mạng lưới phân phối rộng khắp.
Một trong những thay đổi đáng chú ý của thị trường quý I/2025 là sự dịch chuyển trong hành vi tiêu dùng. Lần đầu tiên, phân khúc điện thoại dưới 200 USD chỉ chiếm 50% tổng lượng thiết bị xuất xưởng, mức thấp nhất từ trước đến nay. Ngược lại, phân khúc 200-400 USD tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 19%, phản ánh sự chuyển dịch rõ rệt từ "giá rẻ" sang "trải nghiệm tốt hơn".
![]() |
Lượng hàng điện thoại thông minh xuất xưởng tại Việt Nam theo thị phần các hàng sản suất điện thoại, quý 1/2025. Nguồn: Counterpoint Research |
Các thiết bị hỗ trợ 5G cũng ghi nhận mức thâm nhập kỷ lục, chiếm 46% tổng lượng điện thoại xuất xưởng, mức cao nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Sau Viettel và VNPT, MobiFone đã chính thức triển khai 5G thương mại từ đầu năm, giúp cuộc đua công nghệ di động nóng lên. Các nhà mạng hiện đang tích cực mở rộng vùng phủ sóng, nâng cấp hạ tầng và tung ra các gói cước hợp lý để tăng tốc độ phổ cập.
Sự phát triển nhanh của mạng 5G cũng giúp cải thiện tốc độ internet di động của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu, đồng thời trở thành động lực chính thúc đẩy người tiêu dùng nâng cấp thiết bị lên dòng máy hỗ trợ công nghệ mới này.
Dù nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực, các rủi ro từ bên ngoài như căng thẳng thương mại và chính sách thuế quan từ Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu - trụ cột của GDP. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng phân khúc điện thoại cao cấp, vốn có biên lợi nhuận cao và nhóm khách hàng ổn định, sẽ ít chịu ảnh hưởng từ những biến động toàn cầu này.
Counterpoint dự báo, khi các yếu tố vĩ mô ổn định hơn và mạng 5G tiếp tục phổ cập, thị trường smartphone Việt Nam sẽ sớm phục hồi. Khả năng chi tiêu cải thiện cùng với xu hướng ưu tiên chất lượng và công nghệ sẽ là động lực thúc đẩy phân khúc trung và cao cấp phát triển. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng chuỗi phân phối và tăng cường liên kết chiến lược giữa các hãng với nhà bán lẻ sẽ tiếp tục là chìa khóa tăng trưởng bền vững trong các quý tới.