Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh vừa dẫn đầu Đoàn công tác đi kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 3 (Yagi) tại các huyện, thị ven biển của tỉnh này...
Sau khi kiểm tra thực tế tại một số khu vực trọng điểm xung yếu ở các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Cửa Lò, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chỉ đạo: Các địa phương phải chủ động phương án ứng phó trong trường hợp bão kéo dài và hoàn lưu của bão. Đồng thời, phải theo dõi sát tình hình, thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện tại chỗ; Hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (Sẵn sàng chủ động phòng tránh; Sẵn sàng đối phó kịp thời; Sẵn sàng khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Mọi biện pháp phải được triển khai có hiệu quả để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân và nhà nước do bão gây ra. Vì vậy, yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc và triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão bằng tinh thần chủ động, không được chủ quan, lơ là. Tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, đảo; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú bão. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ xảy ra.
“Yêu cầu lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương phối hợp để bố trí và sắp xếp nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân đảm bảo an toàn, chống va đập. Cùng với đó, triển khai phương án phòng chống cháy nổ tàu thuyền. Đặc biệt là phải bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và tài sản tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy - hải sản; nơi neo đậu tàu thuyền; khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ; khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Đặc biệt là phải kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn. Trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Ngành Giao thông vận tải phối hợp với địa phương bố trí lực lượng hướng dẫn, cảnh báo, kiểm soát việc đi lại của người dân tại những nơi ngập lụt để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Lực lượng công an chỉ đạo các Tổ an ninh cơ sở phối hợp với các lực lượng khác để đảm bảo an ninh trật tự, nhất là tại các khu vực người dân phải di dời để bảo vệ tài sản của nhân dân” – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Văn Cương