Ngành Tài chính đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô

15:25 08/01/2021

Bằng các biện pháp tài khóa đồng bộ, quyết liệt, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác, đã cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với thế giới và khu vực.

Sáng ngày 8/1/2021, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021 với 62 điểm cầu các địa phương tham gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh năm 2020, nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và hậu quả thiên tai, lão lụt, thực hiện chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 122 thông tư về lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách, tập trung vào các cơ chế, chính sách về thuế, cắt giảm phí, lệ phí hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, quản lý chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả, phát triển thị trường tài chính, dịch vụ kế toán, bảo hiểm, quản lý ngân quỹ nhà nước...

Trong tổ chức thực hiện, trước diễn biến phức tạp của Đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó có phương án tương ứng về điều hành NSNN. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, với những giải pháp đồng bộ, tích cực, vừa chủ động nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, vừa bảo đảm cân đối ngân sách các cấp ở địa phương.

Đáng chú ý, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do Đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN. Đồng thời, đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát để miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tính đến ngày 31-12-2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn giảm.

Năm 2020, tăng thu gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội

Bằng các biện pháp tài khóa đồng bộ, quyết liệt, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác, đã cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với thế giới và khu vực, nhờ đó, tác động tới nguồn thu ngân sách.

Theo Bộ Tài chính, thu NSNN năm 2020 đã đạt cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10,11/2020), với tổng thu cân đối NSNN ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31,9 nghìn tỷ đồng), tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP, huy động từ thuế và phí đạt khoảng 19,1% GDP.

Trong đó, đáng chú ý, thu nội địa đạt xấp xỉ 100% dự toán; thu từ dầu thô đạt 98,3% dự toán (giảm 602 tỷ đồng); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93,8% dự toán, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu (sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng) đạt 86,2% dự toán (giảm 28,6 nghìn tỷ đồng). Theo phân cấp quản lý, thu ngân sách trung ương bằng khoảng 90%, giảm khoảng 89 nghìn tỷ đồng so dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 108,6%, vượt 56,8 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Điểm sáng trong thực hiện chi ngân sách

Cùng với điểm sáng về thu ngân sách, công tác điều hành chi ngân sách trong năm 2020 cũng đã đạt được nhiều thành công. Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương yêu cầu thực hiện dự toán, triệt để tiết kiệm và phát huy hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, ngành Tài chính đã hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - NSNN năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu, nhờ chủ động trong điều hành, đến nay có thể khẳng định rằng chi NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cân đối NSNN khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như: yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020; yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương, trường hợp hụt thu thì phải chủ động tiết kiệm chi. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.

Nhờ chủ động trong điều hành, đến nay có thể khẳng định rằng chi NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng chi ngân sách năm 2020 ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh... Trong đó, NSNN đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19. Ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh...

Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 248,5 nghìn tỷ đồng, dưới 4% GDP ước thực hiện (dự toán 3,44% GDP). Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong phạm vi giới hạn cho phép.

Nhiệm vụ trong năm 2021

Năm 2021, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai 7 nhóm giải pháp nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính – NSNN đề ra.

Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, bộ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN; phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP; tổ chức điều hành chi NSNN năm 2021 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN năm 2021 trong phạm vi 4% GDP.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ triển khai một số giải pháp, như: nâng cao kỷ cương, hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Nhóm các giải pháp tiếp theo được Bộ Tài chính triển khai trong năm 2021, đó là: đẩy mạnh phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại...

Việc triển khai các nhiệm vụ tài chính – NSNN trong năm 2021 có nhiều cơ hội, thách thức đan xen, do đó, toàn ngành Tài chính phải nỗ lực phấn đấu ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm để phấn đấu đạt cao nhất nhiệm vụ đề ra.

Ly Nguyễn