Thời điểm này, các doanh nghiệp đang đứng trước nỗi lo giảm lợi nhuận do giá đường đi xuống. Báo cáo phân tích ngành đường cuối tháng 7/2022 của VCBS cho biết, giá đường trong nước đã giảm 8-10% so với mức đỉnh vào quý III/2021 và hiện tại giảm nhẹ 3% so với bình quân quý II/2022.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá bán đường của các nhà máy đường vẫn ở mức thấp, gây khó khăn cân đối giá thành sản xuất. Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 7 giá đường bán ra của các nhà máy dao động trên dưới 18.000 - 18.400 đồng/kg đối với đường tinh luyện; 17.200-17.400 đồng/kg đối với đường vàng.
Năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm và sự hiện diện của khối lượng lớn đường nhập lậu và đường, chất ngọt nhập khẩu chính ngạch trên thị trường khiến cho đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp.
VSSA cho biết, các nhà máy dù có nỗ lực giảm giá bán đường để có tiền thanh toán mía cho nông dân và đầu tư cho vụ mía kế tiếp, nhưng cũng không đẩy sản lượng tiêu thụ được.
Ngoài ra, nguồn cung dồi dào từ nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu tràn vào, khiến cho doanh nghiệp vẫn khó bán sản phẩm dù bán dưới giá thành.
Thực tế thị trường mía đường trong nhiều năm liền ghi nhận sự ảm đạm, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, đồng nghĩa với vùng nguyên liệu tại đó tan vỡ, hàng ngàn nông dân bấp bênh do mất sinh kế từ cây mía.
Theo SSI, việc mở rộng diện tích trồng mía là rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành mía đường trong những năm tới, do mức thuế nhập khẩu đường thô cao không khuyến khích các nhà máy sản xuất trong nước nhập khẩu đường thô để tinh luyện.
Khi diện tích vùng mía nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, ngành sản xuất mía đường dường như gặp muôn vàn khó khăn.
PV