Ngành gỗ với những tín hiệu khả quan trong chế biến và xuất khẩu

12:56 31/03/2021

Trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực ngành gỗ đã phát huy được khả năng thế mạnh, khai thác hiệu quả nguồn lực của đơn vị, ổn định và phát triển sản xuất.

Tại Hội nghị Giao ban “Đánh giá kết quả năm 2020 và Bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021” diễn ra vừa qua tại Tp Quy Nhơn, Bình định, một số kết quả tổng kết cho thấy, trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực ngành gỗ đã phát huy được khả năng thế mạnh, khai thác hiệu quả nguồn lực của đơn vị, ổn định và phát triển sản xuất.

Đồng thời xây dựng những chương trình hành động, những giải pháp phù hợp, linh hoạt vượt qua khó khăn thử thách để duy trì SXKD đảm bảo việc làm và thu nhập, giúp người lao động yên tâm công tác.

Cũng như các đơn vị kinh doanh cùng ngành nghề, sản phẩm gỗ không phải là mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, nên trong thời điểm dịch Covid–19 hoành hành các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng khá lớn. 

đưa kim ngạch xuất khẩu đạt trên 14,5 tỷ USD trong năm 2021 Ảnh tư liệu
đưa kim ngạch xuất khẩu đạt trên 14,5 tỷ USD trong năm 2021 Ảnh tư liệu. 

Từ những tín hiệu khả quan đó, năm 2020 sản lượng chế biến gỗ toàn khối đạt trên 1,231 triệu m3. Về doanh thu đạt 6.156 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trên 666 tỷ đồng, vượt 3,8%; nộp ngân sách Nhà nước trên 426 tỷ đồng; thu nhập bình quân gần 8,9 triệu đồng/người/tháng, vượt 14,7%.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) công bố, tháng 3/2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 1,524 tỷ USD.

Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, thế mạnh Việt Nam này thu 3,944 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 3,7 tỷ USD, tăng 41,5%; lâm sản ngoài gỗ đạt 243 triệu USD, tăng 38,4%. Xuất siêu trên 3,23 tỷ USD, tăng 43,4%.

Theo đó, các khách hàng lớn nhất của gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Các thị trường này chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của nước ta.

Về mặt nhập khẩu, ba tháng năm 2021, giá trị nhập khẩu gỗ ước đạt 696 triệu USD, tăng 31% so cùng kỳ. Nguyên là do giá gỗ nguyên liệu những tháng đầu năm tăng, đồng thời nhu cầu nhập khẩu cũng tăng so với cùng kỳ.

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cũng nêu rõ, ba tháng đầu năm nay, ngành này đã trồng 31.498 ha rừng, bằng 116% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung ở một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ. Trồng được 17,6 triệu cây phân tán các loại, bằng 177% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, tính đến ngày 23/3/2021, cả nước đã thu được 825,8 tỷ đồng đạt 29% kế hoạch thu năm 2021.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những bất cập cần được tháo gỡ. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Tình trạng khai thác rừng non, đường kính nhỏ dẫn đấn chất lượng gỗ nguyên liệu thấp; các doanh nghiệp tập trung lớn tại một số địa phương như: Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định dẫn đến gặp khó khăn về đất đai trong việc mở rộng xây dựng các khu công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tập trung; chưa trú trọng phát triển lĩnh vực thiết kế, mẫu, mã, thương hiệu, kênh phân phối sản phẩm; năng suất lao động thấp; các loại vật liệu phụ trợ quan trọng như sơn, keo, chất phủ bề mặt... vv vẫn phải nhập khẩu, chi phí cao,...

Trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đặt ra yêu cầu ngành cần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống bệnh dịch Covid-19, vừa tiếp tục bứt phá trong năm 2021, đưa kim ngạch xuất khẩu đạt trên 14,5 tỷ USD trong năm 2021.

Lê Mai

Tags: