Ngành dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào năm 2024?

08:42 25/01/2024

Năm 2024 hứa hẹn nhiều thách thức đối với ngành dệt may, dù đã có những bước phát triển đáng kể trong quá khứ. Tuy nhiên, ngành dệt may hiện này rất khó đoán định, buộc doanh nghiệp ngành này phải có biện pháp ứng phó ngắn hạn và dài hạn.

Ảnh minh họa
Ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt (Ảnh: Minh họa)

Những thách thức doanh nghiệp dệt may phải đối mặt

Hiện tại, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia khác trong khu vực và trên toàn cầu. Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đều đang gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu dệt may. Để cạnh tranh, Việt Nam cần tăng cường năng suất, nâng cao chất lượng và đổi mới công nghệ để giảm chi phí sản xuất.

Trong đó, dù có nguồn lao động rộng lớn, nhưng ngành dệt may Việt Nam lại đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn lao động có kỹ năng cao. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường và công nghệ tiên tiến, cần có đầu tư mạnh vào đào tạo và phát triển nhân lực. Việc xây dựng các chương trình đào tạo nghề, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu sẽ giúp cung cấp lao động có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của ngành.

Ngoài ra, thị trường dệt may đang chuyển dịch từ sản phẩm giá rẻ đến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Khách hàng ngày càng yêu cầu chất lượng cao, thiết kế độc đáo và bền vững. Để đáp ứng yêu cầu này, ngành dệt may Việt Nam cần nâng cao khả năng thiết kế, tăng cường nghiên cứu và phát triển sản phẩm, và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao.

Trong giai đoạn hiện nay, ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng nguyên liệu từ nước ngoài. Sự bất ổn định trong cung ứng nguyên liệu có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình sản xuất và xuất khẩu. Việc xây dựng hệ thống cung ứng nguyên liệu ổn định trong nước và tìm kiếm đối tác cung ứng đáng tin cậy trên thị trường quốc tế là một thách thức quan trọng cần các doanh nghiệp ngành dệt may vượt qua.

Bên cạnh đó, ngành dệt may là một ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và tài nguyên tự nhiên lớn. Việc đối mặt với biến đổi khí hậu và áp lực bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải tập trung vào các giải pháp bền vững, như sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng chất thải và xử lý nước thải một cách hiệu quả.

Để vượt qua những thách thức này, ngành dệt may Việt Nam cần chú trọng vào việc đầu tư vào nâng cao công nghệ, đổi mới và nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, cần thiết lập các chương trình đào tạo và phát triển nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Quan trọng hơn, ngành cần xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi cung ứng và tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế để tăng cường cạnh tranh.

Ảnh minh họa

Dự báo năm 2024 “bất định”, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận xét, năm 2024, cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Chartered bank đều đưa ra dự báo đồng Euro, bảng Anh, yên Nhật đều lên giá so với đồng đô la Mỹ. Trong bối cảnh đó, đồng Việt Nam cũng khó có xu thế giảm giá mạnh so với đồng Đô la. Dự báo, thị trường dệt may Mỹ có thể tăng trưởng từ 8 - 10% về nhu cầu.

Ông Trương cho biết, tổng cầu có xu hướng cải thiện so với năm 2023 nhưng còn nhiều bất định phụ thuộc vào diễn biến thị trường ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Với mức độ cải thiện kinh doanh của quý 4, giảm nhanh tồn kho thì theo ông Trường “có những hy vọng về đơn hàng ngành may sớm trở lại”.

Trong khi đó, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, nếu năm 2023 là một năm “bất ổn” do các yếu tố chính trị và kinh tế thì năm 2024 được dự báo là một năm “bất định”, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự trái ngược trong nhận định của các tổ chức nghiên cứu lớn cho thấy năm 2024 là một năm hoàn toàn không dễ đoán định với nhiều yếu tố tiêu cực và tích cực đan xen. Trong khi đó, dệt may Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ đạo, với tỷ lệ XK chiếm tới hơn 80% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành. Do đó cũng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới. Dự kiến tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 ở mức 715 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2022, chỉ bằng mức 2020 diễn ra COVID-19, báo hiệu một năm 2024 không có nhiều khởi sắc.

Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng, trước những dự báo bất ổn của thị trường năm 2024, ngành Dệt may Việt Nam cần tập trung vào công tác thị trường. Bởi nhu cầu giảm chắc chắn dẫn đến cạnh tranh cao trong việc giành đơn hàng, do đó, công tác thị trường là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong đó, cần củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, xây dựng chiến lược bài bản trong việc xác định phân khúc sản phẩm, phát triển thị trường và khách hàng mới. Bên cạnh dự báo mang tính chất định hướng dài hạn cần tăng cường dự báo ngắn hạn để ứng phó nhanh với sự biến động của thị trường.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, DN dệt may cần “tìm được điểm đột phá” bởi bí quyết thành công của bất cứ DN nào đều nằm ở khả năng phát hiện và đón đầu xu hướng. Nếu các đơn vị xác định được “điểm đột phá” của mình, có thể là sản phẩm mới, thị trường mới, khách hàng mới… thì cần hành động quyết liệt và tốc độ để có thể nhanh chóng vượt lên.

Như vậy, năm 2024 đánh dấu một giai đoạn quan trọng cho ngành dệt may Việt Nam. Bằng cách đối mặt và vượt qua những thách thức này, ngành có thể tiếp tục phát triển và đóng góp vào sự thịnh vượng kinh tế của đất nước.

Nghệ Nhân