Ngành công nghiệp mỹ phẩm "tỷ đô" của Hàn Quốc lao đao vì Covid-19

16:21 28/12/2020

Ngành công nghiệp mỹ phẩm từng được coi là ngôi sao sáng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên đại dịch lan rộng đã khến ngành công nghiệp mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc rơi vào vực tối ảm đạm.

Ba năm trước, tỷ phú Suh Kyung-bae, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Amorepacific Corporation, là người giàu thứ hai ở Hàn Quốc. Ngày nay, vị tỷ phú chỉ lọt vào top 10, một cú đảo lộn bất ngờ trong sự bùng nổ ngành mỹ phẩm vốn nổi tiếng tạo ra hàng loạt tỷ phú Hàn Quốc trong nhiều năm qua.

Giãn cách xã hội và làm việc từ xa đã làm giảm nhu cầu trang điểm của người tiêu dùng
Giãn cách xã hội và làm việc từ xa đã làm giảm nhu cầu trang điểm của người tiêu dùng.

Khối tài sản 3,6 tỷ USD (giảm từ 8 tỷ USD năm 2017) của Suh phần lớn đến từ cổ phần ông nắm giữ tại tập đoàn mỹ phẩm của gia đình, Amorepacific. Đơn vị này là công ty mẹ của nhiều thương hiệu nổi tiếng như như Innisfree, Laniege và Sulwhasoo. Trước đại dịch, Amorepacific đã gặp phải không ít khó khăn. Đến khi Covid-19 bùng phát, tình hình kinh doanh của tập đoàn càng bị ảnh hưởng do người tiêu dùng ít sử dụng mỹ phẩm hơn trong giai đoạn hạn chế ra ngoài.

Điều đó đã chặn đứng sự giàu có được tạo ra bởi sự gia tăng nhanh chóng của các sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc và một số thương vụ mua bán lớn. Từ năm 2010 đến năm 2014, các công ty nước ngoài đã chi ít nhất 215 triệu USD để mua lại nhiều công ty mỹ phẩm Hàn Quốc, theo một báo cáo tháng 9 của KPMG. Trong 5 năm sau đó, xứ sở kim chi đã trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm làm đẹp lớn thứ tư trên thế giới với khối lượng giao dịch tăng lên 5 tỷ USD, chưa kể những giao dịch không được tiết lộ.

Tháng 11/2019, hãng mỹ phẩm Estee Lauder thành lập công ty Have & Be, được biết đến rộng rãi với dòng sản phẩm Dr.Jart+. Đây là thương vụ mua lại một thương hiệu làm đẹp châu Á đầu tiên. Thương vụ trị giá 1,1 tỷ USD cũng biến nhà sáng lập ChinWook Lee thành tỷ phú.

Tiếp theo đó, Goldman Sachs Group mua lại cổ phần thiểu số của Tập đoàn GP Club nổi tiếng với sản phẩm mặt nạ. Sau thương vụ này, nhà sáng lập Kim Jung-woong bước vào hàng ngũ một trong những người giàu nhất Hàn Quốc. Tương tự, các tập đoàn bán lẻ lớn như Unilever, L’Oreal SA và các công ty đa quốc gia khác cũng có cổ phần trong các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc.

Tuy nhiên đại dịch đã giáng một "cú đúp" vào ngành công nghiệp mỹ phẩm của Hàn Quốc. Giãn cách xã hội và làm việc từ xa đã làm giảm nhu cầu trang điểm của người tiêu dùng, dẫn đến việc đóng cửa nhiều cửa hàng. Theo công ty nghiên cứu thị trường Mintel, doanh số bán lẻ đồ làm đẹp ở Mỹ, thị trường đứng thứ 3 về hàng xuất khẩu của Hàn Quốc, sẽ giảm hơn 7% vào năm 2020.

Đại dịch lan rộng khiến ngành công nghiệp mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc rơi vào vực tối ảm đạm.
Đại dịch lan rộng khiến ngành công nghiệp mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc rơi vào vực tối ảm đạm.

Còn ở Hàn Quốc, các hạn chế đi lại do Covid-19 cũng cắt đứt dòng khách du lịch Trung Quốc vốn mạnh tay chi tiêu cho mỹ phẩm cũng như các thương gia đơn lẻ mua hàng miễn thuế với số lượng lớn để bán lại tại quê nhà.

Lina Oh, một nhà phân tích tại Ebest Investment & Securities, cho biết: "Hiện tại, thật ngây thơ khi nghĩ rằng mỹ phẩm sản xuất tại Hàn Quốc có thể thu hút được khách hàng Trung Quốc như trước".
Cả Have & Be và GP Club đều chưa công bố thông tin tài chính năm 2020. Đối với Amorepacific, doanh thu hợp nhất trong 9 tháng đầu năm của họ giảm 23%, xuống 3,7 nghìn tỷ won (3,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, tập đoàn này công bố kế hoạch cung cấp chế độ hưu trí tự nguyện nhắm vào những nhân viên đã làm việc hơn 15 năm. Tập đoàn từ chối bình luận về kế hoạch của mình hoặc về tài sản cá nhân của Suh.

Mặc dù vậy, Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang trực tuyến trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Doanh thu của Amorepacific trong phân khúc này có mức tăng trưởng đáng kể.

Amorepacific có kế hoạch giảm số lượng cửa hàng Innisfree tại Trung Quốc nhưng dự đoán rằng về tổng thể, doanh số bán hàng kỹ thuật số sẽ chiếm một nửa hoạt động kinh doanh của hãng tại đây vào năm tới. Tại thị trường nội địa, tập đoàn nhận thấy tỷ trọng doanh thu trực tuyến tăng từ 20% lên 30%.

Trong khi đó, gã khổng lồ mỹ phẩm L’Oreal, với doanh số bán hàng giảm 12% trong nửa đầu năm 2020, đã tung ra 300 dịch vụ kỹ thuật số trong năm nay, bao gồm cả hướng dẫn làm đẹp trực tiếp.

Chị Hye-mi Kim, nhà phân tích tại Cape Investment & Securities (Seoul), cho biết: “Chi tiêu cho mỹ phẩm đã giảm từ trước Covid-19, nhưng đại dịch làm các sản phẩm làm đẹp thậm chí ít cần thiết hơn. Chỉ những mặt hàng cần phải có như sản phẩm chăm sóc da và điều trị các vấn đề về da còn ổn".

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng chứng kiến sự trỗi dậy của những tỷ phú mới trong lĩnh vực dược phẩm. Ông Seo Jung-jin, nhà sáng lập hãng dược phẩm Celltrion Inc., chứng kiến khối tài sản tăng gần gấp ba lần trong năm nay. Hiện, ông nắm giữ 14,6 tỷ USD, trở thành tỷ phú người giàu thứ hai mới tại Hàn Quốc.

TH