Mới đây, SeABank đã quyết định phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ 13,18%. Ngân hàng này cũng sẽ phát hành thêm 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng tổng tỷ lệ phát hành lên 13,6%. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức là 26/8/2024.
Ngân hàng OCB cũng thông báo ngày 30/8 là thời điểm chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Ngân hàng sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nâng vốn điều lệ lên gần 24.658 tỷ đồng.
Tại MSB, ngày 29/8/2024 được ấn định là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. MSB sẽ phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu, trở thành ngân hàng có mức trả cổ tức cao nhất trong năm. Sau phát hành, vốn điều lệ của MSB sẽ đạt 26.000 tỷ đồng.
VIB cũng công bố ngày 23/8/2024 để chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 17%. Ngân hàng sẽ phát hành gần 431,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị phát hành khoảng 4.313 tỷ đồng, từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận chưa phân phối.
Ngoài ra, các ngân hàng khác như Nam A Bank, HDBank, và SHB cũng không kém cạnh khi chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. Nam A Bank đã chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần với tỷ lệ 25%, đồng thời phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. HDBank sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 20%, sau khi chốt danh sách vào ngày 15/7. SHB cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 11%, nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng.
Trong đó, các đợt phát hành cổ phiếu này không chỉ giúp các ngân hàng nâng cao vốn điều lệ mà còn tạo cơ hội để cải thiện năng lực tài chính và tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường ngân hàng đầy biến động hiện nay.
P.V (Tổng hợp)