Thông tư số 14/2025/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9 tới đây, đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn về năng lực vốn của các tổ chức tín dụng, theo hướng tiệm cận chuẩn mực quốc tế.
Cụ thể, đối với các ngân hàng thương mại không có công ty con và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Thông tư yêu cầu duy trì các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trên cơ sở riêng lẻ. Trong đó, tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5%, tỷ lệ vốn cấp 1 là 6% và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là 8%. Đối với các ngân hàng thương mại có công ty con, yêu cầu áp dụng cả ở cấp độ riêng lẻ và hợp nhất, với các mức tương tự.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước siết chặt yêu cầu an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại |
Khi tính toán tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, ngân hàng không phải hợp nhất công ty con là doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn phải tính đầy đủ các yếu tố rủi ro, bao gồm tài sản có rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường. Thông tư quy định áp dụng phương pháp tiêu chuẩn trong việc xác định tài sản có rủi ro tín dụng. Ba công thức tính tỷ lệ an toàn vốn cũng được quy định cụ thể trong văn bản.
Đáng chú ý, ngoài các yêu cầu về tỷ lệ tối thiểu, Thông tư 14 còn quy định việc triển khai lộ trình áp dụng bộ đệm bảo toàn vốn trong vòng 4 năm, từ mức 0,625% đến 2,5%. Từ năm thứ tư trở đi, các ngân hàng chỉ được chia cổ tức bằng tiền mặt nếu đảm bảo đủ các ngưỡng: vốn lõi cấp 1 tối thiểu đạt 7%, vốn cấp 1 đạt 8,5% và tỷ lệ CAR đạt tối thiểu 10,5%.
Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền quyết định việc áp dụng tỷ lệ bộ đệm vốn phản chu kỳ (Countercyclical Capital Buffer - CCyB) trong khoảng từ 0% đến 2,5%, tùy theo tình hình kinh tế vĩ mô và diễn biến của chu kỳ tín dụng.
Một điểm đáng lưu ý khác là khi tính toán vốn, tất cả các khoản mục bằng ngoại tệ hoặc vàng phải được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá và giá vàng cuối ngày báo cáo, phù hợp với quy định hiện hành về hệ thống tài khoản kế toán và báo cáo tài chính của Ngân hàng Nhà nước.
Việc ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng cường sức chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều biến động. Đồng thời, văn bản này cũng thể hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel II và hướng tới Basel III trong thời gian tới.