Khối ngân hàng cổ phần sinh lời tốt
Chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) đo lường khả năng sinh lời và hiệu quả sử dụng vốn mà một doanh nghiệp tạo ra.
![]() |
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trượt 4 quý thống kê 25 ngân hàng niêm yết vào cuối quý 1/2025 có nhiều thay đổi so với ROE cuối năm 2024.
Xét về số tuyệt đối, ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (mã HDB) đang dẫn đầu với ROE ở mức 26,28% trong quý 1/2025. Nghĩa là HDB đã kiếm lời được 26,28 đồng trên 100 đồng vốn bỏ ra kinh doanh. So với ROE cuối năm 2024 là 25,71%, HDB đang khai thác khá tốt nguồn vốn của mình.
Tiếp theo là ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPB) khi ban lãnh đạo ngân hàng này đem về 24,42 đồng trên 100 đồng vốn (mức 24,42%), tuy có giảm so với mức 25,1% so với cuối năm 2024.
Tuy nhiên, ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) vẫn là cái tên sáng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng gần đây, khi ROE những tháng đầu năm 2025 vẫn duy trì ở mức cao và đạt 22,57%. MB cũng là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng ROE dương gần như cao nhất trong quý này (1,1 điểm %).
![]() |
Trong số những ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên vốn trên 20% còn có các ngân hàng TMCP: Sài Gòn Thương Tín (STB ở mức 20,78%), Á Châu (ACB ở mức 20,92%) và Nam Á (NAB ở mức21,07%).
Như vậy, từ cuối năm 2024 đến quý 1/2025, ngân hàng khối cổ phần vẫn duy trì được tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn so với khối quốc doanh.
Đối với khối quốc doanh gồm các ngân hàng TMCP: Ngoại thương (VCB), Đầu tư và Phát triển (BID), Công thương (CTG) nằm trong Top 2 là những ngân hàng có ROE từ 15% -18%.
Trong quý đầu năm 2025, khả năng khai thác lợi nhuận trên 100 đồng vốn của BID còn 18,43 đồng (ROE là 18,43%), giảm so với 18,79 đồng (ROE là 18,79%) tại thời điểm cuối năm 2024.
Đối với CTG và VCB, khả năng khai thác hiệu quả trên 100 đồng vốn của 2 ngân hàng này cũng giảm khi đạt tương ứng lần lượng là 18,27 đồng (ROE là 18,27%) và 17,95 đồng so với 18,6 đồng kiếm được vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, quy mô vốn chủ sở hữu của VCB, CTG và BID đứng hàng đầu khi ở mức tương ứng là 204.839 tỷ đồng, 152.930 tỷ đồng và 150.549 tỷ đồng.
Quy mô vốn chủ sở hữu của các ngân hàng quốc doanh lớn gần gấp đôi, gấp ba so với vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tầm trung và nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng ROE lại không bằng trong quý vừa qua.
Đặc biệt, trong nhóm ngân hàng có ROE từ 15% -18% hầu hết đều có tốc độ tăng trưởng sinh lời trên vốn giảm so với cuối năm 2024, giảm mạnh nhất lại là VCB giảm 0,65 điểm phần trăm, VIB giảm 0,36% điểm phần trăm, MSB giảm 0,28% điểm phần trăm…
Duy chỉ có ngân hàng TMCP Kiên Long (KLB) trong nhóm này có tốc độ tăng cao nhất ngành với mức tăng 1,36 điểm phần trăm
Ngân hàng nhỏ khai thác vốn chưa như kỳ vọng
Trong quý đầu năm 2025, những ngân hàng nhỏ khai thác vốn chủ sở hữu không như kỳ vọng so với cuối năm 2024, dù đã nỗ lực tăng trưởng ROE so với cuối năm 2024.
Khả năng sinh lời trên vốn dưới 10% có 7 ngân hàng thương mại cổ phần, gồm: Phương Đông (OCB ở mức 9,49%); Bắc Á (BAB ở mức 8,95%), Thịnh vượng và Phát triển (PGB 6,35%); Bản Việt (BVB 5,26%); An Bình (ABB 4,2%) và Sài Gòn Công thương (SGB 2,33%).
Đặc biệt, ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NVB) có ROE âm tới 87,4%, dù đã giảm so với cuối năm 2024 là âm 91,69%.
Hoạt động ngân hàng không có lẽ không còn nhiều thuận lợi như thời gian trước đây khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới. Đặc biệt, là việc áp thuế đối ứng của Chính quyền Trump đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng nằm trong số đó.
Theo đó, những chỉ số sinh lời trên cho thấy, những ngân hàng nhỏ cần nỗ lực và tiếp tục khai thác nguồn vốn chủ sở hữu tốt hơn nữa mới có thể cạnh tranh thị phần với các ngân hàng lớn.