Các đối tượng thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp. Ảnh minh họa.
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kì đổi mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân.
Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng, lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác.
Đặc biệt, hiện nay rất nhiều website, mạng xã hội nước ngoài về mua sắm, bán lẻ, du lịch, khách sạn, quảng cáo trực tuyến... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam chưa được kiểm soát gây thất thu thuế, tạo cơ hội cho dòng tiền chảy ra nước ngoài.
Các mặt hàng được bày bán chủ yếu trên mạng bao gồm: thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc tân dược, thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ điện tử, thời trang, hàng tiêu dùng có giá trị...
Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng đấu tranh, ngăn chặn, tuy nhiên số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển, diễn biến ngoài thị trường, chế tài xử lý chưa đủ mạnh; trang thiết bị, kiến thức, chuyên môn phục vụ trong lĩnh vực thương mại điện tử của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế; công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Đồng thời các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, cất giấu hàng hóa ở nhiều nơi, thậm chí ngay tại chỗ ở nên rất khó xác định kho hàng để kiểm tra, xử lý.
Các đối tượng thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp; các trang website được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến các lực lượng chức năng khó phát hiện cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh.
Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng trên, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững, tránh thất thu thuế cho nhà nước..., hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kế hoạch tăng cường đấu tranh, phòng, chống việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm lập lại trật tự, kỉ cương trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.
Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, giám sát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh cơ chế chính sách, qui định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử.
Minh Châu