Ngài Fred Burke – Thành viên HĐQT AmCham: Văn hóa “mèo vờn chuột” sẽ làm doanh nghiệp “chết dần”

00:00 12/10/2020

Kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, Việt Nam trở thành “mảnh đất lành” cho hoạt động kinh doanh, là điểm đến hứa hẹn với các nhà đầu tư quốc tế đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trang Reuters từng nhận định: Việt Nam sẽ sớm nhận được lượng lớn dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc giai đoạn hậu COVID-19. Với tất cả am hiểu địa phương và tinh tường của một chuyên gia kinh tế quốc tế, ông Fred Burke (Thành viên Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam – AmCham) đã có những đánh giá về chủ đề này với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập.

“Việt Nam là “đất lành” thu hút FDI nhưng...”

PV: Các nước như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, cùng với Việt Nam được dự báo sẽ là những quốc gia đón dòng vốn FDI đang “chảy” khỏi Trung Quốc. Trong đó, Ấn Độ thể hiện hành động rất nhanh khi Chính phủ chủ động liên lạc hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ. Indonesia được cho sẽ là điểm đến mới của 27 nhà máy Mỹ, theo yêu cầu từ tổng thống Trump. Là quốc gia được đánh giá cao trong việc thu hút nguồn vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc, theo ông Chính phủ Việt Nam cần hành động như thế nào để tận dụng cơ hội này?

Ngài Fred Burke: Việt Nam đang chủ động theo đuổi chiến lược Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu trong gần ba thập kỷ qua. Kết quả các bạn nhận được về giảm nghèo và phát triển bền vững là một trong những câu chuyện thành công được cả thế giới ghi nhận. Nhưng thế giới luôn thay đổi và chúng ta bắt buộc phải linh hoạt để ứng phó với những thay đổi đó. Đại dịch COVID-19 là một cú sốc mới đối với nền kinh tế toàn cầu và tác động từ cú sốc này thậm chí còn chưa bắt đầu diễn ra ở nhiều quốc gia. Việt Nam vốn dĩ vẫn là một nước đang phát triển và còn gặp khó khăn khi phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc đua cạnh tranh quốc tế khốc liệt này.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ một số quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Singapore... vẫn còn đang bị phong tỏa, việc lấy tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự và chữ ký tươi ở các nước này là một thách thức lớn và điều này trì hoãn việc nộp hồ sơ cho các thủ tục tại Việt Nam trung bình khoảng 2 tháng. Điều này đang trở thành trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, do thực tế các cơ quan hành chính của Việt Nam chưa có đủ sự linh động để miễn trừ hay đơn giản hóa các yêu cầu về hành chính.

Để hoàn thiện thủ tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhà đầu tư đang phải gõ cửa nhiều cơ quan bởi tại Việt Nam, mỗi cơ quan lại chịu trách nhiệm một khâu trong quá trình cấp phép mà thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung hoặc một cách thức giải quyết thích hợp nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý với nhau còn mất nhiều thời gian, thậm chí một số thông tin vẫn trao đổi qua đường bưu điện.

Để giải quyết những vấn đề này, Chính phủ nên tiếp tục xây dựng hệ thống ứng dụng trực tuyến mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng áp dụng các tiếp cận chủ động để rà soát và đơn giản hóa quy trình chấp thuận cho dự án đầu tư nước ngoài để thực sự thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp theo cho Việt Nam.

PV: Nhiều ý kiến đánh giá, Việt Nam nên tranh thủ thu hút các lĩnh vực như Công nghệ cao, năng lượng sạch...  Từ góc nhìn của một chuyên gia đầu tư quốc tế, ông cho rằng Việt Nam có lợi thế nào để hút nhà đầu tư trong các lĩnh vực này? 

Ngài Fred Burke: Việc nâng cao chất lượng chuỗi giá trị rõ ràng là một phần rất quan trọng trong công tác đẩy mạnh mức thu nhập và Hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã và đang chứng kiến sự thay thế của các hàng may mặc và giày gia công đơn giản bằng các các sản phẩm được sản xuất với công nghệ cao và thiết bị máy móc phức tạp hơn.

 

Công nghệ cao và năng lượng sạch chính là công thức cho một tương lai thành công của Việt Nam sắp tới.

Trên thực tế, Việt Nam rất may mắn ở một khía cạnh, vị trí địa lý của các bạn là nơi hợp lưu của việc chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu ra khỏi Trung Quốc và đồng thời cũng đang tiến tới là một nơi có “chuỗi cung ứng xanh” theo yêu cầu của các nước phát triển. Ngày nay, khi mà mỗi một quốc gia ngày một phát triển đòi hỏi người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và tốt cho nhân loại. Để các mặt hàng như điện tử, quàn áo, giày dép,… và các sản phẩm xuất khẩu có thể đạt được lợi thế ở các thị trường quốc tế, người bán phải cho thấy rằng chúng được sản xuất bằng năng lượng xanh và với hoạt động kinh doanh bền vững. Vì vậy, trong khi các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đốt được xây dựng quá vội vã ở Trung Quốc vào những năm 1990 và đầu những năm 2000 gây thiệt hại cho sức khỏe con người và môi trường, thì thay vào đó, Việt Nam ngày nay lại đang ứng dụng hiệu quả công nghệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Đối với một nền kinh tế vẫn còn giàu tài nguyên nông nghiệp, điều này có lợi thế rất lớn. Chính vì vậy, cả công nghệ cao và năng lượng sạch chính là công thức cho một tương lai thành công của Việt Nam sắp tới.

PV: Đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, thành tựu kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây và đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 liệu có phải là “điểm cộng” thu hút các nhà đầu tư? 

Ngài Fred Burke: Thành công gần đây của Việt Nam được xây dựng nhờ đáp ứng được các chỉ tiêu của nhà đầu tư nước ngoài, rõ ràng đây là yếu tố quan trọng giúp cho việc thu hút dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc. Các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội vàng ở Việt Nam nhờ có sự phát triển kinh tế liên tục trong các năm vừa qua, cụ thể là sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế. Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 7,02% trong năm 2019, thuộc hàng cao nhất thế giới. Đây cũng là năm thứ hai tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trên 07%. Ngành công nghiệp chế biến và sản xuất tăng trưởng 8,9% và tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 500 tỷ USD và thặng dư 04 năm liên tiếp trong bối cảnh xu hướng giảm thương mại ở nhiều nước. 

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng cho thấy Việt Nam tăng 10 bậc từ năm ngoái lên mức 67, trở thành quốc gia tăng nhanh nhất năm 2019. Chính phủ cũng đã tập trung tạo ra môi trường kinh doanh mở, thuận lợi và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây chính là “điểm cộng” của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, họ cũng nhìn thấy sự quyết liệt, đúng đắn và minh bạch thông tin trong chỉ đạo của Chính Phủ ở công tác phòng chống dịch COVID-19 và tái khởi động lại nền kinh tế đúng lúc. Bên cạnh đó, triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam sau khi mở cửa trở lại, quỹ dân số lớn và số người gia nhập tầng trung lưu ngày càng tăng cũng là những yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư.

Theo tôi, dòng vốn FDI vào Việt Nam không tránh được ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch. Các nhà đầu tư cũng ghi nhận Việt Nam có chủ trương nhất quán trong ứng xử với dòng vốn đầu tư nước ngoài, luôn coi đầu tư nước ngoài là một cấu thành quan trọng của nền kinh tế để phát triển. Tất cả đang góp phần tạo nên “cơ hội vàng” cho Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Địa phương đừng chăm chăm phạt doanh nghiệp

PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động của các FTA đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam?

Ngài Fred Burke: Tác động của các FTA chính là một lý do cho sự thành công của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Mỗi một FTA mới giúp cho Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với các thị trường nước ngoài, nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức trong công cuộc cải cách lại nền kinh tế để có thể cạnh tranh thành công. Gần đây nhất, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở rộng các khái niệm “thương mại thời kì thế kỷ 21” bao gồm việc bảo vệ môi trường kinh doanh và lao động đề đảm bảo rằng chi phi cho các hoạt động sản xuất được quản lý rõ ràng. Dù ở mức độ nào thì cũng phải khẳng định, quan hệ thương mại và hợp tác trên nền tảng hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA hay các khung, khổ hợp tác thương mại của ASEAN với các đối tác song phương như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ luôn là nền tảng quan trọng, mang lại cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu, tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách hiệu quả. Các nhà đầu tư chắc chắn trông chờ vào các thỏa thuận này khi chọn nơi đầu tư, không chỉ ở mức thuế suất hải quan cụ thể mà họ có thể được hưởng, mà còn là cam kết chung về luật pháp, sự minh bạch Chính phủ mang lại nhằm thúc đẩy các thỏa thuận này.

Việt Nam giờ đã trở thành một nơi an toàn với hoạt động kinh doanh

PV:Từ phía doanh nghiệp Việt Nam, khi tham gia hoặc có cơ hội tham Chuỗi cung ứng toàn cầu, ông đánh giá doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu những gì? Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để cải thiện?

Ngài Fred Burke: Không thể phủ nhận Việt Nam là một môi trường tốt để thu hút các nhà đầu tư. Song Việt Nam vẫn còn gặp phải một số vấn đề ở trong nước. Chẳng hạn như, việc cam kết cải cách thủ tục hành chính là những nỗ lực lâu dài, đã đạt được mức độ thành công nhất định nhưng đòi hỏi cần phải có quyết tâm cao hơn nữa để thu hút được các nhà đầu tư trong tương lai. Hiện nay, ở các khâu xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chờ địa phương nơi họ muốn đầu tư xin ý kiến các bộ - ngành có liên quan. Thời gian để chấp thuận và cấp phép cho một dự án đầu tư có thể mất từ 4-6 tháng. Việc này gây khó khăn rất nhiều cho các nhà đầu tư khi mong muốn đầu tư ở một thị trường mới

Ngoài ra, để có thể trở thành một nơi đón đầu trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường nước ngoài, việc này không hề dễ dàng khi các tiêu chuẩn này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị lâu dài. Điều này chính quyền địa phương cũng nên giúp đỡ các doanh nghiệp, thay vì việc chỉ bắt họ vi phạm và rút tiền phạt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị chết dần bởi chính môi trường kinh doanh của mình. Chính vì vậy, việc tạo mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa doanh nghiệp kinh doanh với chính phủ là rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của một đất nước. Và với văn hóa  “mèo vờn chuột” như hiện nay của các doanh nghiệp trong nước và chính quyền địa phương, không thể xây dựng thành các doanh nghiệp có tầm cỡ thế giới.

Cá nhân tôi thấy rẳng bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp cũng phải chủ động cơ cấu lại chiến lược kinh doanh của mình. Đặc biệt, không thụ động trước những chính sách kiến tạo của chính phủ. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể tác động chính sách đó đến đâu, cần làm như thế nào để chính phủ biết và cùng song hành. Và nếu doanh nghiệp không chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao quản trị doanh nghiệp cũng như trình độ chuyên môn cho người lao động thì sẽ đánh mất cơ hội phát triển bền vững, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng mới trong tương lai. Tất cả những điều này khiến tôi nghĩ rằng để có thể vững tin sánh ngang với các thị trường quốc tế thì chúng ta vẫn còn một chặng đường dài nữa để bước đi…

Bảo Trinh (thực hiện)