Trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, diễn ra ngày 12/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, năm 2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới, không chỉ của ngành mà là của đất nước và của cả thế giới. Năm 2021 không chỉ là một năm mới, mà còn là năm đầu của giai đoạn 5 năm (2021-2025) để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, là năm đầu của giai đoạn 25 năm để Việt Nam năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng XHCN. Và con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, CMCN lần thứ 4, chuyển đổi số.
Nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam triển khai sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số bằng các nền tảng số được sản xuất bởi người Việt Nam (chiến lược Make in Vietnam).
Xác định nền tảng số là chìa khóa để giải bài toán chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, lựa chọn và công bố 12 nền tảng số Make in Vietnam tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.
12 nền tảng số cụ thể là các sản phẩm sau: kế toán dịch vụ Misa ASP; quảng cáo, tiếp thị trực tuyến Novaon Onfluencer; nền tảng phân phối hàng hóa Giga1; thanh toán trực tuyến VnPay và MoMo; chăm sóc khách hàng StringeeX; quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office; quản lý nhà hàng, cửa hàng BizFly; quản lý khách sạn, điểm vui chơi EZCloud; sản phẩm an toàn, an ninh mạng CyRadar; phần mềm tư vấn Consultant Anywhere và website tuyển dụng VietnamWorks.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, 12 nền tảng số này có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho phép doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức vận hành, để tạo ra những giá trị mới. Bộ đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ có 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với chương trình. Trong đó, tối thiểu 30.000 doanh nghiệp sẽ được trải nghiệm miễn phí các nền tảng.
Các nền tảng số tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số nêu trên sẽ triển khai nhiều chính sách ưu đãi như sau: miễn phí trải nghiệm sử dụng nền tảng trong thời gian 3 tháng; ký kết hợp đồng sử dụng một năm được miễn phí sử dụng 6 tháng (giảm 50%); miễn phí các khóa đào tạo, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nền tảng...
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) sẽ nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới. Nếu lĩnh vực công nghiệp ICT vẫn là lắp ráp, gia công, làm thuê thì lĩnh vực này vẫn như cũ. Nhưng nếu công nghiệp ICT là Make in Viet Nam, là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là làm chủ công nghệ, là thiết kế, là sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, là giải bài toán Việt Nam giúp Việt Nam phát triển và từ đây đi ra chinh phục thế giới, là biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ, là tăng trưởng gấp 2-4 lần tăng trưởng GDP cả nước, là động lực, là lời giải đưa Việt Nam thành hùng cường, thịnh vượng, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%. Khi Đại dịch Covid-19 diễn ra, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng tiêu cực. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đầu ra, thị trường truyền thống bị thu hẹp lại do giãn cách, sự phụ thuộc vào các trung gian, đồng thời, vẫn phải chịu chi phí duy trì hoạt động- doanh thu đã sụt giảm trên 50%. Số lượng doanh nghiệp nhỏ tạm ngừng hoạt động vào khoảng 24%, số lượng doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm 15%. Khoảng 47% doanh nghiệp khi được khảo sát đã xác định chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết, tuy nhiên, họ còn lạ lẫm và chưa biết bắt đầu từ đâu.
Dựa trên nghiên cứu về nhiều DN hoạt động tại Việt Nam trong 2 năm qua, nhóm nghiên cứu của Ts. Nguyễn Quang Trung (Đại học RMIT), Nguyễn Tuấn Hồng Phúc (Thành viên điều hành, tư vấn chiến lược khách hàng, vận hành và công nghệ số tại KPMG Việt Nam) đã chỉ ra 5 nhóm lý do phổ biến dẫn đến những thất bại trong chuyển đổi số ở các DN Việt.
Đó là: Thiếu lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới, thiếu hoặc yếu về một hoặc nhiều năng lực động (dynamic capabilities) của tổ chức, chưa xây dựng được nền tảng văn hóa DN phù hợp, hiểu sai về năng lực số, sai lầm trong chiến lược chuyển đổi số.
Theo nhóm nghiên cứu này, có nhiều DN “khoán trắng” cho bộ phận công nghệ thông tin (IT) để tìm hiểu và thực hiện các thay đổi có tính ứng dụng công nghệ. Lãnh đạo các DN này xem đây là trách nhiệm của bộ phận IT.
Ở chiều ngược lại, nhiều giám đốc bộ phận IT cũng nghĩ bộ phận mình có thể tạo ra chuyển đổi cho DN mà không cần quá nhiều can thiệp của lãnh đạo. Đây là một trong những lý do chính dẫn đến việc đại đa số các dự án chuyển đổi số trong DN Việt thất bại.
Trước nỗi băn khoăn của nhiều doanh nghiệp về việc doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chuyển đổi số được hay không, nên bắt đầu chuyển đổi số từ đâu... các chuyên gia công nghệ cho rằng cần phải bắt đầu từ người lãnh đạo.
Trên thực tế, chuyển đối số không phải giải pháp vạn năng, cũng không có giải pháp chung cho các ngành. Mỗi doanh nghiệp có đặc thù khác nhau, do đó sẽ có kiểu chuyển đổi số khác nhau. Để chuyển đổi số thành công cần chọn phương pháp luận chuyển đổi số đúng ngay từ đầu, quyết liệt thực thi chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin và kiên trì chuyển đổi nguồn nhân lực số.
An Nguyên