“Mượn” xuất xứ hàng hóa: Hình ảnh hàng hóa Việt Nam có khả năng bị ảnh hưởng xấu

00:00 12/10/2020

Khi Việt Nam bị mượn xuất xứ hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến thông tin sai lệch về cán cân thương mại, từ đó ảnh hưởng đến động thái cân đối cán cân thương mại giữa các nước với Việt Nam.

Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai

Đây là chia sẻ của ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với báo Diễn đàn Doanh nghiệp khi trao đổi về việc công ty nước ngoài “mượn” xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu vào nước khác.

Ông đánh giá thế nào khi Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo những rủi ro do các công ty nước ngoài “mượn” xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào nước khác?

Khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam có được một số ưu thế về xuất khẩu vào những thị trường mới mà các nước lân cận chưa có được, khi đó có thể họ sẽ “mượn” xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu. Đây là rủi ro tiềm tàng đối với nền kinh tế Việt Nam, gây thiệt hại cho người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu nước ta.

Khi họ mượn xuất xứ Việt Nam thì các số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu đi các nước khác của Việt Nam sẽ bị thổi phồng và bị đánh giá là xuất siêu. Ví dụ, Hoa Kỳ sẽ đánh giá cán cân thương mại bị thâm hụt với Việt Nam ngày một tăng. Hệ quả là Hoa Kỳ có thể gây sức ép bằng cách đưa ra những chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Khi bị mượn xuất xứ thì nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi ích gì, trái lại từ lỗ hổng này các nước mượn xuất xứ còn cạnh tranh trực tiếp với chính hàng hóa của Việt Nam, thậm chí còn làm xấu hình ảnh hàng hóa Việt Nam. Ví dụ, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường thế giới, khi những hàng hóa kém chất lượng của nước khác mượn xuất xứ Việt Nam, các nước nhập khẩu sẽ hiểu nhầm đó là hàng Việt Nam thì Việt Nam sẽ bị “mang tiếng”.

Nhưng chúng ta sẽ ngăn chặn tình trạng “mượn” xuất xứ này như thế nào khi hành lang pháp lý để xác định xuất xứ còn khá mơ hồ, thưa ông?

Về vấn đề này, trước tiên phải tiến hành ngay việc hoàn thiện khung pháp lý, lấp các “lổ hổng” về cơ chế chính sách. Thứ hai, trong công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập khẩu, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và làm chặt chẽ hơn. Hoàn thiện chính sách cùng với kiểm tra giám sát tốt thì chúng ta sẽ hạn chế được vấn đề này.

Quan điểm của ông thế nào khi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thừa nhận, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam?

Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần sớm có một khung pháp lý hoàn chỉnh về xuất xứ hàng hóa để đảm bảo cho việc làm thủ tục xuất khẩu được thuận lợi, nhanh chóng. Nếu khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, còn thiếu chỗ này, chỗ kia thì khó cho cả cán bộ tác nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu cán bộ làm theo nguyên tắc “cái gì chưa có quy định thì không làm” thì sẽ gây ách tắc, ứ đọng hàng hóa; còn nếu cán bộ giải quyết “linh hoạt” thì họ cũng ngại rủi ro.  

Việc chúng ta vẫn còn loay hoay với việc cảnh báo, thì liệu có ảnh hưởng đến doanh nghiệp không, thưa ông?

Việc triển khai chậm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiêp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì các bộ, ngành cũng cần thận trọng tham khảo các ý kiến, đúc kết từ thực tiễn… Việc này theo tôi là cần có một khoảng thời gian nhất định, không thể vì thấy bất cập mà làm nhanh, làm vội để đưa ra ý kiến chủ quan, thì có thể gây ra những hệ lụy rất khó xử lý sau này.

Xin cảm ơn ông!