Việc này nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, lũy kế đến hết năm 2019 doanh nghiệp Việt Nam có 1.321 dự án đầu tư ra nước ngoài, tổng số vốn đăng ký gần 21 tỷ USD, với xu hướng dịch chuyển chủ thế đầu tư, vốn đầu tư của doanh nghiệp dân doanh tăng, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước giảm.
Theo quy định tại khoản 1 điều 52 Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau: a) Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; b) Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài; c) Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó; d) Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài; đ) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Nhà đầu tư Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật đầu tư 2020, quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế có liên quan. Dưới đây là một số ý kiến về việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra đặc khu hành chính Hong Kong với hình thức thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật Hong Kong.
Ưu thế nào trong việc đăng ký thành lập công ty tại Hong Kong?
Thứ nhất, nhà đầu tư Việt Nam đăng ký thành lập công ty tại Hong Kong sẽ được hoạt động trong môi trường kinh doanh phát triển bậc nhất trên thế giới, hệ thống pháp luật kiện toàn, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh hàng đầu thế giới, cảng biển thông thương tự do với tất cả các nước, có vị trí chiến lược ưu việt ở châu Á. Thành lập công ty tại Hong Kong giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, sau khi thành lập nếu đăng ký nhãn hiệu có thể nâng cao hơn mức độ nổi tiếng của doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, ngày càng nhiều doanh nghiệp và doanh nhân trên thế giới thành lập công ty tại Hong Kong với các mục đích khác nhau, nhằm phát triển kinh doanh, nâng cao hình ảnh công ty, tăng cường thông tin về khách hàng nước ngoài. Hong Kong là nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới, dự trữ ngoại tệ nhiều thứ 6 trên thế giới, là trung tâm tài chính lớn thứ 12 thế giới. Quy mô thị trường chứng khoán Hong Kong lớn, xếp thứ 2 châu Á. Hong Kong đề xướng và thực hiện tự do thương mại, chế độ đầu tư tự do mở cửa. Không có trở ngại và điều kiện thương mại. Nhà đầu tư nước ngoài được đối xử như với nhà đầu tư bản địa. Tự do lưu thông vốn. Chế độ pháp luật lâu đời, minh bạch.
Thứ ba, Hong Kong tiềm ẩn tiềm lực và cơ hội kinh doanh vô hạn, là cửa lớn thông đến các nơi của châu Á, có văn hóa kinh doanh hiện đại, có truyền thống văn hóa phong phú, tốt đẹp. Hong Kong khuyến khích tư duy sáng tạo, hội nhập rộng mở và không ngừng phát triển. Là nơi tụ họp nhân tài kinh doanh trên khắp thế giới, đáng là nơi để doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét đăng ký thành lập công ty tại đây.
Thứ tư, đã có hàng nghìn doanh nghiệp quốc tế đăng ký thành lập công ty tại Hong Kong và được hương ưu đãi đầu tư. Hong Kong là nền kinh tế tự do nhất thế giới, nằm ở trung tâm đông nam Á, là cửa ngõ đi vào Trung Quốc đại lục. Ưu thế của Hong Kong đã được nhiều người biết, bao gồm cơ sở hạ tầng hoàn thiện, thực hiện chế độ pháp trị, thuế suất thấp và có nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cao. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu các công ty trên thế giới đã lựa chọn Hong Kong làm tâm điểm nhằm tận dụng thành quả tăng trưởng kinh tế của châu Á.
Thứ năm, tên công ty được tự do lựa chọn, cho dù đăng ký vốn thành lập công ty lớn hay nhỏ, chính quyền Hong Konh cho phép tên công ty có thể gồm các từ hội liên hiệp, hội xúc tiến, quỹ, hiệp hội, học viện, trung tâm giao lưu, viện nghiên cứu, tập đoàn truyền thông, hội học, hội thương gia, hội nghiên cứu, trung tâm, công ty lữ hành, nhà xuất bản, thương xã, tập đoàn, doanh nghiệp, holding, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, văn hóa, điện ảnh, viện thiết kế, đại học...
Thứ sáu, hạn chế về phạm vi kinh doanh rất ít, có thể kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư, xuất bản, y dược, sản xuất, đại lý vận chuyển, văn hóa, nghe nhìn, lữ hành, xuất bản, truyền thông...
Thứ bảy, chính sách thuế ưu đãi: 1. Được tính vào chi phí được trừ toàn bộ chi phí vui chơi giải trí, tiền xe, tiền du lịch; 2. Tiền lương của Nhà đầu tư (thành viên góp vốn, cổ đông) và vợ, chồng, con cái họ được tính vào chi phí được trừ; 3. Trường hợp thành lập công ty dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, thu nhập của công ty bên ngoài lãnh thổ Hong Kong không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Công ty có thể dễ dàng xin mở tài khoản OBU (Offshore Bank Unit) tại Hong Kong để sử dụng trong quá trình đầu tư kinh doanh tại đây; 4. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17,5% đánh vào thu nhập chịu thuế; 5. Có thể khấu trừ toàn bộ chi phí được trừ như lãi suất tiền vay có kỳ hạn mua tài sản và ô tô, được miễn thuế khấu hao tài sản cố định.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Chấp thuận tên công ty, xác nhận hồ sơ: Nên lựa một vài tên công ty để tra cứu, sau khi tra cứu sẽ xác nhận và quyết định lấy tên công ty để đăng ký thành lập công ty, vốn điều lệ, thành viên hoặc cổ đông sáng lập, thư ký pháp định, địa chỉ trụ sở chính.
Bước 2: Nộp hồ sơ: Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ theo quy định, nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký thành lập công ty Hong Kong. Trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, trường hợp không có ý kiến gì khác, trưởng phòng Phòng đăng ký thành lập công ty Hong Kong sẽ phê duyệt công ty được thành lập và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Bước 3: Nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh được cấp, bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đăng ký thương mại, điều lệ công ty (8 bản), danh sách thành viên hoặc cổ đông (01 bản), một bộ con dấu (dấu đồng, dấu chữ ký, dấu tròn), sổ ghi biên bản hội nghị thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông (01 quyền), phiếu thu (01 quyển) và một hộp xanh đựng các tài liệu này.
Bước 4: Kê khai thuế, đại lý kê khai thuế: Đăng ký khai báo thuế tại Cục thuế, mua hóa đơn. Đại lý khai báo thuế sẽ phân tích về các biểu mẫu công ty phải khai báo, đưa ra đề xuất việc quản lý, phát hành báo cáo kiểm toán, tính số thuế phải nộp, xin hoàn thuế xuất khẩu.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu cơ bản sau: 1. Tên công ty (một vài tên để tránh trùng tên); 2. Vốn điều lệ đăng ký – Thông thường đăng ký 10.000 tệ HK; 3. Thông tin cá nhân của thành viên hoặc cổ đông sáng lập; 4. Địa chỉ đăng ký thành lập công ty tại Hong Kong; 5. Ngành nghề kinh doanh, có thể đăng ký kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào; 6. Thông tin chính xác về người liên lạc.
Việc thành lập công ty tại Hong Kong là bước khởi đầu, bàn nhảy của nhiều công ty nhằm tiến hành hoạt động kinh doanh quốc tế. Nhiều công ty mong muốn đăng ký thành lập và kinh doanh tốt công ty tại Hong Kong. Tuy nhiên việc thành lập công ty cũng tương đối phức tạp, vì vậy lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam là nên tìm tổ chức tư vấn chuyên nghiệp để được tư vấn việc thành lập công ty tại Hong Kong phù hợp pháp luật Việt Nam và pháp luật Hong Kong nhanh gọn, hiệu quả./.
Luật sư Bùi Văn Thành – Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới