Đăng ký kinh doanh tiếp tục khởi sắc
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bước vào năm 2018, tình hình kinh tế thế giới có nhiều tín hiệu khởi sắc, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 tiếp tục tăng theo chu kỳ, cao hơn năm 2017 , tăng trưởng thương mại toàn cầu tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế trong nước. Triển vọng kinh tế trong nước lạc quan, kế thừa và tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của năm 2017.
Theo đó, trong năm 2018, tình hình đăng ký kinh doanh tiếp tục khởi sắc . Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, tình hình kinh tế - xã hội có tín hiệu lạc quan, dự kiến tình hình đăng ký doanh nghiệp cả năm sẽ tiếp tục có được ảnh hưởng tích cực từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
“Ước cả năm 2018, cả nước có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 2,5% so với năm 2017”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo.
Ảnh minh họa
Về phát triển hợp tác xã cũng đạt nhiều kết quả. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi liên kết phát huy hiệu quả, được mở rộng đầu tư; các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng nhiều và đã diễn ra phổ biến ở các vùng của cả nước; tổ hợp tác ngày càng khẳng định là mô hình phù hợp với điều kiện phát triển ở nhiều vùng, nhiều khu vực; là điều kiện, nền tảng để tiến lên thành lập hợp tác xã kiểu mới phát triển bền vững, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.
Ước cả năm 2018, cả nước có khoảng 21.168 hợp tác xã, tăng 3% so với năm 2017; 61 liên hiệp hợp tác xã, tăng 20%; thu hút 6,4 triệu thành viên tham gia, tăng 3%. Doanh thu bình quân của 1 hợp tác xã khoảng 4 tỷ đồng/năm, trong đó doanh thu từ thành viên chiếm 75%. Số lao động trong hợp tác xã là 1,4 triệu người, tăng 2%; thu nhập bình quân của 1 lao động trong hợp tác xã khoảng 36 triệu đồng/người/năm, tăng 9%.
Năng suất, chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi rõ nét, ước cả năm 2018 đạt khoảng 3,3% nhờ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất theo 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm đặc sản địa phương) gắn với tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, mỗi địa phương và xây dựng nông thôn mới.
Thể hiện rõ nhất ở hoạt động sản xuất lúa, giảm diện tích canh tác lúa, nhưng vẫn tăng năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có dư để xuất khẩu. Chuyển sang sản xuất rau, hoa, quả, thủy sản theo hướng tập trung cho xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả tích cực, ước cả năm xuất khẩu rau, quả đạt 4,1 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt 8,1 tỷ USD. Sản xuất thủy sản chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, bảo vệ nguồn lợi, bảo đảm nguồn gốc đánh bắt, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 7,59%. Trong đó, riêng công nghiệp tăng khoảng 7,24% tiếp tục xu thế tăng cao hơn mức tăng trưởng chung những năm qua, khẳng định vai trò dẫn dắt của cả khu vực, góp phần thu hẹp khoảng các chỉ số về năng lực cạnh tranh về công nghiệp (CIP) của Việt Nam so với các nước trong ASEAN-4.
Đáng chú ý, tăng trưởng khu vực dịch vụ tiếp tục ở mức cao, khoảng 7,35%, với vai trò dẫn dắt từ các hoạt động bán buôn, bán lẻ khẳng định sức mạnh thị trường nội địa. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017, loại trừ yếu tố giá tăng 8,53%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (8,36%) và ước cả năm tăng 10,5-10,8% so với năm 2017; duy trì tốc độ tăng cao trên 2 con số trong những năm qua (năm 2017 tăng 10,86%, năm 2016 tăng 10,7%).
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tiếp tục có bước phát triển mạnh, cả năm thu hút khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế đến với Việt Nam, tăng 16,3%, nhất là trong bối cảnh tiếp tục tăng so với kết quả kỷ lục của năm 2017 (gần 13 triệu lượt khách, tăng 29,1%) càng khẳng định sự cải thiện rõ nét. Qua đó, khẳng định kết quả tích cực trong cơ cấu lại khu vực dịch vụ, các hoạt động dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú; đã từng bước phát triển và hiện đại hóa một số loại hình dịch vụ có năng lực cạnh tranh, như: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông, vận tải hàng không,...
Đặc biệt, năng suất, chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn, năm 2018 ước đạt 40,23%, cao hơn mức đóng góp 33,58% của giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu 5 năm 2016-2020 Quốc hội giao (khoảng 30%-35%). Năng suất lao động xã hội (tính theo giá so sánh năm 2010) tăng đều qua các năm, trong đó: năm 2018 ước tăng 5,55%, năm 2017 tăng 6%, năm 2016 tăng 5,3%, cao hơn mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu 5 năm 2016-2020 Quốc hội giao (bình quân tăng 5%/năm).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quy mô GDP theo giá hiện hành cả năm ước đạt khoảng 5.555 nghìn tỷ đồng; quy mô GDP quy USD đạt khoảng 240,5 tỷ USD, tăng khoảng 7,5% so với năm 2017, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.540 USD/người, tăng khoảng 6,3%.
Minh Ngọc