Lý do gì khiến Elon Musk nhiều lần chỉ trích "cha đẻ" của ChatGPT?

17:12 13/03/2024

Sam Altman đang đối mặt với một cuộc chiến pháp lý, khi Musk đệ đơn kiện OpenAI tuần trước, cáo buộc các giám đốc hiện tại "vi phạm thỏa thuận thành lập", theo đuổi mô hình thương mại thay vì phi lợi nhuận để mang lại lợi ích cho nhân loại.

Ảnh minh họa
Tỷ phú Elon Musk và CEO Open AI - Sam Altman.

Vụ kiện của Elon Musk: Đỉnh điểm mâu thuẫn đã tồn tại vài năm qua

Một ngày sau khi OpenAI ra mắt vào tháng 12/2015, đồng sáng lập Sam Altman đã ngồi lại với Tạp chí Vanity Fair để thảo luận về cái gọi là "một công ty phi lợi nhuận giải cứu thế giới khỏi một tương lai đen tối".

Altman nói về tầm nhìn của mình đối với việc duy trì sự an toàn của AI và phân phối nó rộng rãi, cũng như quan hệ tốt đẹp của mình với đồng Chủ tịch Elon Musk.

"Tôi thực sự tin tưởng ông ấy, điều này rõ ràng là quan trọng với tất cả mọi người liên quan", Altman nói.

Gần một thập kỷ sau, hai người vướng vào hàng loạt tranh cãi. Họ đang đối mặt với một cuộc chiến pháp lý, khi Musk đệ đơn kiện OpenAI tuần trước, cáo buộc các giám đốc hiện tại "vi phạm thỏa thuận thành lập", theo đuổi mô hình thương mại thay vì phi lợi nhuận để mang lại lợi ích cho nhân loại.

"Ông Altman đã khiến OpenAI rời bỏ sứ mệnh ban đầu", đơn kiện có đoạn.

Theo Guardian, vụ kiện là đỉnh điểm của mâu thuẫn đã tồn tại vài năm qua. Các tài liệu nộp lên tòa án sẽ dần hé lộ câu chuyện phía sau việc thành lập OpenAI, những thỏa thuận cốt lõi, đặc biệt là cáo buộc của Musk rằng, OpenAI đã phá vỡ cam kết nguồn mở ban đầu để nhận hàng tỷ USD từ Microsoft.

Vụ kiện làm leo thang mối thù kéo dài nhiều năm giữa Musk và Altman. Nó cũng làm tăng thêm số lượng các vụ kiện mà OpenAI phải đối mặt. Một loạt các tác giả và hãng tin cáo buộc startup vi phạm luật bản quyền và sử dụng bất hợp pháp các tác phẩm gốc để đào tạo các công cụ AI của mình.

Tuy đơn kiện của Musk là mớ tài liệu hỗn độn, cốt lõi của vụ kiện là cáo buộc OpenAI đã phá vỡ thỏa thuận ban đầu để chia sẻ công nghệ của mình với công chúng và giúp đỡ nhân loại sau khi công ty nhận hàng tỷ USD đầu tư từ Microsoft và biến thành một liên doanh chủ yếu vì lợi nhuận. Musk cũng cáo buộc OpenAI chạm một tay đến trí tuệ tổng hợp nhân tạo (AGI), trong đó AI thông minh như con người. Điều này "có lẽ là mối đe dọa hiện hữu lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt ngày nay", đơn kiện viết.

OpenAI phản bác lại khiếu nại của Musk trong một blog dài đăng trên website. Altman và các giám đốc khác tố chính Musk ủng hộ việc biến công ty thành pháp nhân vì lợi nhuận trước khi rời hội đồng quản trị năm 2018 và cố gắng hợp nhất OpenAI với Tesla để trở thành CEO của cả hai.

"Chúng tôi rất buồn vì điều này xảy ra với một người mà chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ - một người đã truyền cảm hứng cho chúng tôi đặt mục tiêu cao hơn, để rồi lại nói với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ thất bại, khởi động một đối thủ cạnh tranh và sau đó đâm đơn kiện khi chúng tôi bắt đầu đạt được tiến bộ có ý nghĩa đối với sứ mệnh của OpenAI mà không có ông ấy", bài đăng có đoạn.

OpenAI đính kèm một số email với Musk trong bài đăng, bao gồm một email trong đó nhà khoa học trưởng của Công ty Ilya Sutskever tuyên bố “hoàn toàn ổn khi không chia sẻ khoa học" đằng sau AI của họ vì công nghệ nguồn mở có thể rơi vào tay những kẻ vô đạo đức. Musk trả lời trong một email, "Đúng vậy”.

Nguồn cơn mối thù giữa Elon Musk và Sam Altman

Trước khi đối đầu, Musk là một trong những người đóng vai trò cố vấn cho Sam Altman. Hai người gặp nhau đầu những năm 2010, khi Altman bắt đầu thu hút sự chú ý lớn ở Thung lũng Silicon thông qua việc lãnh đạo công ty vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator phát triển vượt bậc.

Khi đó, một đối tác của Y Combinator đã sắp xếp để Altman tham quan công ty SpaceX của Musk. Sau này, ông nhiều lần mô tả chuyến đi là "khoảnh khắc đầy cảm hứng".

"Musk nói cho tôi chi tiết về việc sản xuất mọi bộ phận của tên lửa, nhưng điều khiến tôi nhớ nhất là vẻ mặt hoàn toàn chắc chắn của anh ấy khi nhắc đến tham vọng về việc đưa tên lửa lên Sao Hỏa", Altman viết trong một bài đăng trên blog năm 2019. "Tôi rời đi với suy nghĩ: Ồ, vậy ra đó là chuẩn mực của sự thuyết phục".

Altman và Musk bắt đầu gửi email cho nhau vào khoảng năm 2014, chủ yếu bàn về AI và những mối nguy hiểm của công nghệ này. Cả hai có chung quan điểm: nếu không tránh khỏi khả năng AI hủy diệt, con người nên định hướng cho nó. Họ cùng muốn trở thành tiên phong trong việc định hướng cho AI.

Kể từ đó, Musk và Altman thường xuyên liên lạc thảo luận về AI. Tháng 3/2015, Altman hỏi ý kiến Musk về việc viết bức thư lên chính phủ Mỹ liên quan đến công nghệ này.

2 tháng sau, Altman gửi email cho Musk, đề xuất khởi động dự án chuyên về AI tại Y Combinator, có tên "Manhattan Project". Cả 2 làm việc với phòng thí nghiệm AI mới, được Musk gọi là OpenAI.

Trong một email, Altman đề xuất cùng Musk ngồi vào hội đồng (gồm 5 thành viên) để điều hành tổ chức phi lợi nhuận. Anh đề nghị chờ thêm thời gian gửi thư kêu gọi quản lý AI trước khi tổ chức chính thức hoạt động, và được Musk đồng ý.

Altman đã mời Greg Brockman, nhà khoa học máy tính kiêm cựu Giám đốc công nghệ tại nền tảng thanh toán Stripe, tham gia Hội đồng quản trị OpenAI. Trong khi đó, Musk chiêu mộ Ilya Sutskever, nhà khoa học về AI của Google.

Để mời chào họ, OpenAI còn hứa hẹn cấp cổ phần tại Tesla và SpaceX, đồng thời có cơ hội hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Y Combinator.

Musk và Altman trở thành đồng Chủ tịch đầu tiên của OpenAI. Theo các nhân viên cũ, Musk có tầm ảnh hưởng và quyền lực lớn hơn với tổ chức.

Trong thời gian đầu, Musk thường có mặt tại văn phòng, nêu những ý tưởng xa vời và hỏi nhân viên về tính khả thi của trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI). OpenAI chia sẻ văn phòng với Neuralink, startup cấy chip vào não của Musk.

Tỷ phú Mỹ cũng đã cam kết tài trợ một tỷ USD cho tổ chức và tuyên bố sẽ chi trả bất cứ khoản nào chưa huy động được. Ông cũng cho biết, sẽ biến Tesla thành "con bò sữa" để nuôi OpenAI. Trong khi đó, Altman cũng bỏ ra 100 triệu USD cho công ty mới.

Cho đến khi rời đi năm 2018, Musk đã chi cho OpenAI khoảng 45 triệu USD. Tuy nhiên sau khi thành lập, Musk được cho là tranh giành sự ảnh hưởng trong công ty với các thành viên sáng lập khác, nhưng thiếu đi sự kiên nhẫn. Ông sau đó nói muốn OpenAI "trở thành một phần" của Tesla nhưng không thành công.

Trong những năm sau đó, Musk và Altman cũng có một số lần khen ngợi công việc của nhau trên truyền thông. Trong bài đăng cách đây bốn năm trên X, khi đó là Twitter, Altman lên tiếng bảo vệ Musk, nói "thật kinh khủng khi có quá nhiều người chống lại Tesla" và kêu gọi ủng hộ sự đổi mới, thay vì chỉ kỳ vọng kiếm được tiền từ các giao dịch mua bán. Musk khi đó đáp lại: "Cảm ơn Sam".

Nhưng kể từ khi OpenAI phát hành ChatGPT và phát triển nhanh chóng trong 1,5 năm qua, cả hai công khai chỉ trích lẫn nhau nhiều hơn. Altman mô tả Musk là một "kẻ ngốc" mà ông không muốn bắt chước khi tham gia podcast công nghệ của nhà báo Kara Swisher vào tháng 3/2023.

Trong khi đó, Musk nhiều lần chỉ trích chatbot ChatGPT của OpenAI là "rỗng tuếch" và tung ra chatbot đối thủ "Grok". Ông cũng cho rằng Altman đang tạo ra những tiến bộ gây hại trong AI và OpenAI cần các giám đốc “đứng lên chống lại Sam”.

"Tôi có những cảm xúc phức tạp về Sam", Musk nói trong một lần xuất hiện tại một sự kiện của New York Times vào tháng 11/2023.

Ngược với sự công kích của Musk, đến cuối năm ngoái, Altman vẫn mô tả vị tỷ phú gốc Nam Phi là một trong những người hùng của mình và đồng cảm với lo ngại của ông về an toàn AI. Trong những lần có quan điểm trái ngược, Altman chọn cách nói ôn hòa. Ông cũng đề cập đến mối quan hệ của mình với Musk khi gửi thông báo cho nhân viên sau khi đơn kiện của Musk được đệ trình. Theo ông, ở khía cạnh cá nhân, hành động của tỷ phú Mỹ "thật sự đáng buồn". Tuy nhiên, không phải lúc nào Altman cũng giữ được bình tĩnh. Đầu tháng này, CEO OpenAI có hành động khiêu khích sau khi Musk kiện ông.

Theo Business Insider, Altman đang muốn tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Musk trên truyền thông. Ở phía ngược lại, CEO Tesla vẫn liên tục nhắm đến công ty cũ và cả Altman, mới nhất là bức ảnh chế yêu cầu OpenAI đổi tên thành ClosedAI.

Tú Anh (t/h)