Lỗ hổng trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Bài 2: Công ty Tây Hồ: “Thẩm lậu” tài sản do cố ý?

09:26 02/11/2021

Không chỉ có dấu hiệu chuyển nhượng dự án cho Công ty Thăng Long Land với lãi suất tương đương 2 bát phở /m2 đất, lãnh đạo Công ty Tây Hồ còn bị tố cố ý bán rẻ nền đất để cá nhân trục lợi.

Trong bài trước, Doanhnghiephoinhap.vn đã phản ánh về Hợp đồng đầu tư số 01/2020/HĐHTĐT ký kết ngày 29/7/2020 và Hợp đồng đầu tư số 02/2020/HĐHTĐT ký kết ngày 04/8/2020 giữa Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ và Công ty Thăng Long Land đối với phần dự án 24ha tại Khu Đô thị mới Quế Võ I- Bắc Ninh với giá rẻ bất thường, gây thất thoát tài sản của nhà nước và cổ đông công ty. Với thương vụ “bất thường” này, tổ chức nào được hưởng lợi?

                                      Bán nền đất chưa bằng nửa giá thị trường

 Câu chuyện lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) “tự gây thiệt hại” cho công ty lần này không phải là lần đầu. Ngược dòng thời gian, vào cuối năm 2017, ê kíp lãnh đạo Công ty Tây Hồ khi đó là ông Đặng Quang Tuấn- Chủ tịch HĐQT, ông Tân Tú Hải-Thành viên HĐQT là Tổng Giám đốc, ông Phan Việt Anh -Thành viên HĐQT là Phó Tổng Giám đốc và bà Chu Thị Ngọc Ngà là Trưởng ban Kiểm soát. Ở thời điểm này, dự án có 118 lô đất với tổng diện tích gần 3 ha, trong đó có 75 lô đủ điều kiện chuyển nhượng và 43 lô chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Khi khách mua tìm đến dự án thì đều được giới thiệu sang gặp Văn phòng giao dịch đất đai thuộc Công ty GoldLand VN tại xã Phượng Mao (Quế Võ, Bắc Ninh), nhưng điều bất thường là người mua lại chỉ được ký Hợp đồng đặt cọc và nộp tiền mua lô đất với cá nhân (cò đất- PV) chứ không phải với Công ty GoldLand VN(?) 

   Văn phòng Công ty CP Phát triển và đầu tư Thăng Long Land đặt tại trung tâm KĐT mới Quế Võ. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, giá thị trường đối với dự án này lúc đó tối thiểu trên 8.400.000 đ/m2 đối với đất liền kề và trên 10.800.00 đ/m2 đối với đất biệt thự, trong khi đó, giá bán của Công ty Tây Hồ đưa ra chỉ bằng hơn một nửa giá mà người mua đã nộp cho “cò đất” và chỉ bằng gần nửa giá thị trường. Người mua đất được “cò đất” dẫn đến phòng Kinh doanh của Công ty Tây Hồ gặp ông Nguyễn Tấn Hoàng –Trưởng phòng (nay là Chủ tịch HĐQT) để làm thủ tục ký Hợp đồng mua bán chính thức với giá do công ty đưa ra.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Tiệp (người mua) đã chuyển cho ông Phạm Văn Minh (không phải nhân viên của Công ty GoldenLand VN và Công ty Tây Hồ) 3.266.500.000 đồng để mua thửa đất 511 m2 (xấp xỉ 6.392.000 đồng/m2) thuộc tờ bản đồ 29 và được ông Minh dẫn vào Công ty Tây Hồ để ký Hợp đồng. Theo hợp đồng này, Công ty Tây Hồ chuyển nhượng cho ông Tiệp thửa đất này với giá 2.401.700.000 đồng (tức 4,7 triệu đồng/m2-PV), chênh lệch là 914.800.000 đồng so với thực tế mà ông Tiệp đã giao cho ông Minh. Như vậy tài sản của Nhà nước và các cổ đông của Công ty Tây Hồ đã bị thất thoát 914.800.000 đồng so với số tiền ông Tiệp bỏ ra. 

   Hiện nhiều hộ mua đất mới được xây nhà trong khi theo quy định khu vực đó Công ty Tây Hồ chỉ được chuyển nhượng sau khi đã xây phần thô.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đồng mua 511 m2 ở ô số 2, nộp tiền cho bà Nguyễn Thị Hương Giang (không phải nhân viên của Công ty GoldenLand VN và Công ty Tây Hồ) là 3.119.000.000 đồng (xấp xỉ 6.103.000 đồng/m2-PV), được bà Giang dẫn vào Công ty Tây Hồ ký Hợp đồng chuyển nhượng với giá 2.401.700.000 đồng (tức 4,7 triệu đồng/m2-PV), chênh lệch 717.300.000 đồng so với số tiền mà ông Đồng nộp cho bà Giang, đây chính là số tiền là tài sản của Nhà nước và cổ đông bị thất thoát. 

  Một số hộ đang chấp nhận xây nhà ở khu vực 18,1ha trên nền tảng hạ tầng còn rất sơ sài.

Còn ông Trần Văn Hải mua lô đất ô số 5 diện tích 511 m2, ông Hải nộp cho bà Giang 2.785.000.000 đồng (xấp xỉ 5.450.000 đồng/m2-PV) ngay tại Công ty Tây Hồ. Liền sau đó, Công ty Tây Hồ đã ký Hợp đồng chuyển nhượng nhưng trong hợp đồng này lại không ghi giá chuyển nhượng (?). Hơn một năm sau, Công ty Tây Hồ xuất hóa đơn GTGT ghi giá trị là 1.585.310.000 đồng (tương đương 3.102.000 đồng/m2-PV), chênh lệch 1.199.690.000 đồng so với số tiền ông Hải đã đưa cho bà Nguyễn Thị Hương Giang. Trường hợp này, tài sản Nhà nước và cổ đông đã bị thất thoát 1.199.690.000 đồng.

Trường hợp ông Trịnh Đăng Trường mua nhà diện tích 239m2 của dự án. Sau khi thống nhất giá với bà Nguyễn Thị Hương Giang, ông Trường đã giao cho bà Nguyễn Thị Hương Giang 2.050.000.000 đồng, ghi nhận nợ lại 100.000.000 VNĐ. Sau đó, ông Trường được Công ty Tây Hồ ký Hợp đồng chuyển nhượng, nhưng cũng như trường hợp ông Hải nêu trên, trong hợp đồng này cũng không ghi giá chuyển nhượng là bao nhiêu. Hơn một năm sau, Công ty Tây Hồ giao lại Hóa đơn GTGT ghi số tiền chỉ là 1.123.300.000 đồng (tức 4,7 triệu đồng/m2-PV), chênh lệch 926.700.000 đồng so với số tiền ông Trường nộp cho bà Giang. Tài sản Nhà nước và cổ đông Công ty Tây Hồ đã bị thất thoát 926.700.000 đồng trong giao dịch này…

                                                 Cố tình làm trái?

Theo một doanh nhân kinh doanh BĐS ở chính khu vực này cho biết, để xác định giá bán, Chủ đầu tư phải thuê đơn vị thẩm định giá, tiến hành khảo sát giá chuyển nhượng theo các giao dịch đã thành công ở khu vực lân cận tại cùng thời điểm, tham chiếu các các văn bản về giá đất của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, xin ý kiến đơn vị sở hữu cổ phần của nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nội dung tố giác của cổ đông với cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo công ty đã bỏ qua các bước trên. Cụ thể là, không thành lập tổ khảo sát thẩm định giá gồm các thành phần như: Thành viên HĐQT, cổ đông lớn, thành viên Ban Kiểm soát và đại diện Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP để tiến hành khảo sát giá; không tham chiếu các văn bản như Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về giá đất, Thông tư 36/2014/TT-BTNMT ngày 36/6/2014 về phương pháp định giá đất… 

  Khu vực 18,1ha dù trải qua khoảng 5 năm từ khi triển khai dự án nhưng hạ tầng nhếch nhác, cây cỏ mọc um tùm.

Theo ông Đặng Quang Tuấn-Chủ tịch HĐQT (thời kỳ 2017-2020) cho biết, công ty có mời một đơn vị thẩm định giá nhưng ông không nhớ tên đơn vị này(?), kết quả thẩm định là bao nhiêu tiền một m2 ông cũng không nhớ (?), cũng không biết Ban điều hành công ty có xây dựng giá chuyển nhượng hay không. Ông Tuấn cho rằng, trách nhiệm chính việc này thuộc về ông Tân Tú Hải-Tổng Giám đốc và ông Phan Việt Anh-Phó Tổng Giám đốc.

Chỉ với 4 ví dụ nêu trên đã cho thấy, lãnh đạo Công ty Tây Hồ đã không thực hiện đúng các quy định về việc xác định giá bán và có dấu hiệu cố ý làm cho người mua phải thông qua một số cá nhân mới được ký Hợp đồng chuyển nhượng, làm cho người mua phải bỏ ra số tiền mua 1 lô đất chênh lệch gần 1 tỷ đồng so với số tiền mà Công ty Tây Hồ thu về. Với cách thức kinh doanh đối với 75  lô đất này, nhận định Công ty Tây Hồ bị ‘thẩm lậu” trên 80 tỷ đồng so với số tiền người mua đã bỏ ra để mua và vài trăm tỷ đồng so với giá thị trường là có căn cứ.

Với sự vào cuộc của Cơ quan Điều tra và trách nhiệm của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP, các “cò đất” và những người đã trục lợi liệu còn ung dung, lãnh đạo Công ty Tây Hồ liệu còn tại vị?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Trí Kiên