Khởi nguyên từ một lễ hội thuần túy tôn giáo, ngày nay, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã trở thành một trong những lễ hội dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là lễ hội quan trọng của đời sống tinh thần của quý chư tôn đức tăng, ni bà con Phật tử nói riêng, người dân thành phố Đà Nẵng nói chung với những nét đặc trưng và độc đáo của mình.
Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức lễ hội- Ngô Thị Kim Yến cho biết: “Năm nay, lễ hội được tổ chức chuyên nghiệp hơn, quy củ hơn nhằm đưa lễ hội đến với đông đảo người dân, du khách và tạo thêm những cầu nối về văn hóa đối với những đất nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng, ngày càng phát huy hiệu quả những giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung, Lễ hội Quán Thế Âm nói riêng, xứng đáng với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được phong tặng”.
Vì vậy, ở lần trở lại này, Ban tổ chức lễ hội đã nỗ lực, không ngừng đổi mới để chương trình lễ hội ngày càng phong phú, hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và du khách gần xa.
Với tinh thần phát huy truyền thống Văn hóa, Đạo pháp, Dân tộc và vui Xuân trẩy hội trên quê hương danh thắng Ngũ Hành Sơn cùng không khí trang trọng, văn minh, sự thân thiện và mến khách của người dân thành phố, các du khách thập phương sẽ nhớ mãi một Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng huyền thoại, sâu lắng, đầy nhân văn, nghĩa tình nhưng cũng thật trẻ trung, năng động.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn mang đậm tín ngưỡng tôn giáo Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt - Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là sự kết tinh những giá trị văn hóa Phật giáo với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy mang màu sắc Phật giáo song Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn lại tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Với mục tiêu tổ chức lễ hội đặc sắc, văn minh với tiêu chí “5 Không”: Không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội; Không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; Không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; Không chèo kéo khách, nâng giá, ép giá; Không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan, Ban tổ chức lễ hội đã thành lập Tiểu ban An ninh - Trật tự, Vệ sinh - Môi trường và Y tế do Phó Giám đốc Công an thành phố làm Trưởng Tiểu ban với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan để bảo đảm vừa phát huy các giá trị đặc sắc của lễ hội truyền thống vừa đảm bảo tính văn minh.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, Công an thành phố bố trí 11 Tổ công tác. Trong đó, có 3 tổ tuần tra kiểm soát, 4 tổ chốt chặn, 2 tổ thường trực bảo đảm an ninh trật tự, 2 tổ bảo đảm an ninh trật tự đua thuyền và xe hoa với tổng quân số thường trực gần 200 cán bộ chiến sĩ.
Cùng với đó, phối hợp với Công an quận Ngũ Hành Sơn, Công an phường Hòa Hải tiến hành phân luồng, điều tiết giao thông; khảo sát tại các vị trí tập trung đông người để lắp đặt camera phục vụ công tác kiểm soát tình hình, bảo đảm an ninh trật tự nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra một cách trang nghiêm, an toàn cho du khách thập phương và người dân tham gia lễ hội.
Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, các du khách thập phương được hòa mình vào những nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo, giúp mọi người lắng nghe tiếng yêu thương tự lòng mình, hòa nhập cùng hạnh nguyện qua 32 ứng thân cứu đời của Quán Thế Âm Bồ Tát, đem đến cho đời sống người dân sự an vui, từ ái, vượt qua mọi ưu tư, phiền não của tham, sân, si…; những ứng thân và hạnh nguyện ấy đã tìm thấy trong dòng lịch sử dựng xây, giữ gìn đất nước ta.
Trọng Tâm