Từ giữa tháng 4, các tuyến đường từ quảng trường Dinh Thống Nhất ra Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Đường hoa Nguyễn Huệ...từng đoàn người ở khắp nơi tựu trung về đây để mong được tận mắt chứng kiến hình ảnh các khối đoàn diễu binh, diễu hành.
Hơn mười ngày kể từ đợt hợp duyệt lần thứ nhất (18/4/2025) đến nay, người dân không quản xa xôi, dù sáng sớm hay đêm muộn, bất kể nắng nóng hay cơn mưa bất chợt, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi nô nức cùng nhau đi xem các buổi sơ duyệt diễu binh, chào mừng 50 năm đất nước hoà bình thống nhất.
50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là mốc son lịch sử chói lọi, một đại lễ mang tầm vóc quốc tế. Có lẽ vì thế mà Sài Gòn chưa bao giờ chứng kiến một cuộc hội ngộ đặc biệt của “tình quân - dân như cá với nước” trên các phố phường đông đúc. Hình ảnh từng khối quân đoàn với những bước chân đều tăm tắp, ánh mắt kiên định mang theo những kỷ luật quân đội…tất cả trở thành niềm mong ước và là tâm điểm của lòng yêu mến, ngưỡng mộ, tự hào.
Đáp lại sự gian lao, vất vả tập luyện của các chiến sĩ, không chỉ những người đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh nô nức đi xem và cổ vũ, còn có rất nhiều người với hành trình vạn dặm từ phương xa đến để có thể trực tiếp chứng kiến và hoà mình với thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.
![]() |
Cựu chiến binh Trần Văn Thanh đi xe máy từ Nghệ An vào Sài Gòn để xem diễu binh và mừng 50 năm ngày Giải phóng, thống nhất Bắc Nam |
Những ngày qua, người dân cả nước vô cùng xúc động về tinh thần của cựu chiến binh Trần Văn Thanh. Hình ảnh người đàn ông, khoác trên mình chiếc áo lính, một mình chạy chiếc xe máy cũ, vượt hơn một nghìn cây số từ Nghệ An vào Sài Gòn, để được trực tiếp cảm nhận bầu không khí hoan ca, thấy sự phát triển mạnh mẽ của thành phố mang tên Bác…sẽ trở thành một biểu tượng của lòng nhiệt thành yêu nước đối với những người trẻ.
Người cựu chiến binh ấy, mặc dù năm nay đã 76 tuổi (nhập ngũ năm 1970 tại chiến trường Quảng Trị), nhưng vẫn hiện rõ nét kiên trung, nghị lực phi thường của người lính. Ông bắt đầu hành trình của mình từ ngày 17/4/2025. Trên mỗi chặng đường đi, người lính năm xưa luôn nhận được sự cổ vũ, yêu thương, động viên của người dân các địa phương. Sau 10 ngày xuất phát, chiều 27/4, ông đã đến Sài Gòn trong niềm phấn khởi và tràn đầy năng lượng…Được sự tiếp đón, hỗ trợ của Hội đồng hương Nghệ An tại Sài Gòn, người lính Trần Văn Thanh tranh thủ đi thăm quan những địa điểm biểu tượng của Sài Gòn như: Nhà hát thành phố, Dinh Độc Lập, Bến Bạch Đằng…
Trong lời chia sẻ giản dị của người cựu chiến binh: “Tôi tự đi xe máy để được trải nghiệm từng tấc đất giải phóng và thấy nhân dân ta đổi mới từng ngày” - chất chứa biết bao niềm tự hào, phấn khởi và tình yêu quê hương đất nước.
![]() |
Tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc được thể hiện qua các thế hệ Việt Nam |
Và ngay tại Sài Gòn, không khó để bắt gặp hình ảnh những em bé thiếu niên nhi đồng, mặc trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng, trên khuôn mặt dán hình trái tim yêu nước với niềm háo hức hân hoan cùng cha mẹ đợi chờ giờ xem các cô, chú diễu binh. Tinh thần yêu nước bất diệt ấy đã thể hiện bao đời nay của người Việt Nam. Và hôm nay, trong bầu không khí hào hùng của 50 năm Ngày Giải phóng, thế hệ tương lai có cơ hội được kết nối, được thêm một lần gợi nhắc, gợi nhớ về thế hệ cha ông đã anh dũng đấu tranh cho hoà bình, độc lập, tự do dân tộc để càng thêm yêu quý, tự hào.
![]() |
Tự hào và yêu thương các chiến sĩ |
Người dân chẳng ngại đứng chờ nhiều giờ dưới nắng, để có thể ngắm từng đợt binh chủng tiến qua trong khoảng cách gần nhất có thể. Có người còn nói “Nhà nước nuôi bằng gì mà sao ai cũng đẹp, cũng cao thế”…thể hiện rõ sự ngưỡng mộ trong lòng dân.
Mới thoáng qua, người ta có thể nghĩ đó chỉ là một sự cảm mến nhất thời. Nhưng càng quan sát, càng thấy đằng sau nụ cười tươi, ánh mắt lấp lánh là một nỗi niềm khác: chất chứa trong từng hành động, lời nói là khát khao tôn vinh những người lính, bởi hình ảnh của họ chính là biểu tượng của tinh thần yêu nước, của trật tự, kỷ luật và lý tưởng sống.
Có lẽ, giữa một đô thị sôi động và đôi khi đầy mỏi mệt vì nhịp sống gấp gáp, hình ảnh những người lính như một nốt lặng nghiêm nghị đầy hy vọng. Các đồng chí không phải người mẫu, nhưng bước đi đẹp hơn cả sàn catwalk. Họ cũng không phải diễn viên, nhưng ánh mắt làm người ta mãi ghi. Không nói nhiều lời, các đồng chí trong khối binh đoàn chỉ cần hiện diện giữa phố đông, là đã đủ để hàng triệu trái tim dạt dào, mến mộ.
Có lẽ, qua câu nói đang lan truyền nhau trên khắp các trang mạng xã hội những ngày qua “Anh yêu nước, còn em yêu anh” đã thể hiện sự yêu thương, thấu hiểu và lòng ngưỡng mộ sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ. Nó được hiện diện như lời thổ lộ của hàng triệu trái tim dành cho người mặc quân phục, đó là sự ngưỡng mộ tuyệt đối với những phẩm chất: sự dấn thân, kỷ cương và chí hướng.
![]() |
Ngưỡng mộ tinh thần, ý chí, nghị lực của những người lính |
Hơn tất cả, sự kiện duyệt binh không chỉ là một nghi lễ nhà nước. Nó trở thành dịp để người dân, đặc biệt là lớp trẻ, kết nối lại với lịch sử. Đó là khi những bài học trong sách giáo khoa hiện lên rõ ràng: không phải những con số khô khan, mà là những con người bằng xương bằng thịt, đang từng ngày từng giờ viết tiếp câu chuyện Việt Nam.
Trong một thực tại, nơi mà mạng xã hội đang có phần lấn át giao tiếp thực, nơi tình yêu đôi khi gói gọn trong vài dòng tin nhắn công nghệ, thì hình ảnh người lính xuất hiện vang vọng qua những bước quân hành, hiện lên một khí chất kỷ luật, đầy khí phách trở thành biểu tượng của một thứ tình cảm lâu bền.
Khi lễ diễu binh kết thúc. Mọi người lại trở về nhịp sống thường nhật của mình…nhưng chắc chắn, trong ký ức mỗi người vẫn sẽ đọng lại hình ảnh những ngày tháng tư ấy - khi lòng yêu nước, yêu người được hiện rõ hơn bao giờ hết.
Cũng chính vì thế, lễ sơ duyệt diễu binh hôm nay cũng là dịp để khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, thể hiện sức mạnh đoàn kết, ý chí vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới. Đó cũng là lời khẳng định: Việt Nam yêu hòa bình và luôn kiên cường bất khuất, sẵn sàng bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, thắp sáng khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Chính vì lẽ đó, hoạt động 50 năm đất nước hòa bình thống nhất không chỉ để vinh danh quá khứ mà để khẳng định quyết tâm chiến thắng trong hòa bình và hội nhập. Thế hệ kế tiếp cần giữ vững giá trị lịch sử để tiếp nối, gìn giữ và phát huy những gì cha ông để lại.