Một trong chuỗi hoạt động của Lễ hội mùa thu Lam Kinh năm 2018 là Công ty CP Mía đường Lam Sơn tổ chức khai trương Công viên sinh thái Tre luồng Thanh Tam – giai đoạn 1, tại xã Xuân Bái (Thọ Xuân). Trước khi vào lễ khai trương, các đại biểu Hội đồng họ Lê Việt Nam cùng toàn thể quan khách đã vượt 600 bậc đá lên làm lễ dâng hương tại Tượng đài Lê Lợi. Ngôi tượng được xây dựng bằng đá có chiều cao 18m, uy nghi trên đỉnh núi vùng đất Lam Sơn lịch sử.
Các đại biểu cắt băng khai trương Công viên sinh thái tre luồng Tam Thanh
Công viên sinh thái Tre luồng Thanh Tam (Thanh Tam Bamboo Ecopark) nằm ở trung tâm đô thị Lam Sơn – Sao Vàng và vùng phụ cận, với tổng diện tích gần 160 ha, thuộc các xã: Xuân Bái, Thọ Xương, Xuân Phú (Thọ Xuân) và xã Thọ Thanh (Thường Xuân). Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2017 – 2019 đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Dự án có vị trí ở trung tâm vùng đất “Địa linh nhân kiệt” được các nhà tư vấn trong nước là Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và các kiến trúc sư của Pháp, Nhật Bản trực tiếp khảo sát, đưa ra ý tưởng thiết kế kiến trúc tổng quan với mục tiêu tập trung cao vào phát triển du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, lịch sử, tâm linh…, trong đó hạn chế tối đa các công trình xây dựng kiên cố. Đây cũng là công trình có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tri ân của các thế hệ cán bộ, công nhân công ty và tâm nguyện của bà con trồng mía, chào mừng lễ kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê đăng quang, 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Phát biểu lại buổi lễ, ông Jan Oprin –Chủ tịch Tập đoàn DKB (Bỉ) nói: Tôi rất ngưỡng mộ tầm nhìn của Chủ tịch Lê Văn Tam khi thực hiện dự án Thanh Tam Bamboo Ecopark, vì nó sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng và toàn xã hội. Chúng ta biết mọi thứ đều bắt đầu từ thiên nhiên, ngày nay xu hướng con người rất muốn sống gần gũi, hòa mình và thân thiện với thiên nhiên nên dự án sinh thái tre luồng ra đời rất phù hợp. Vương quốc Bỉ không có tre luồng nhưng công nghệ mới đã cho phép tôi nhân giống chúng. Tầm nhìn của ngài Tam không chỉ có ý nghĩa phát triển quê hương mà còn góp phần phát triển cả thế giới đang hội nhập, giao thoa rất mạnh mẽ.
Ông Lê Văn Tam – Anh hùng lao động, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn và ông Jan Oprin –Chủ tịch Tập đoàn DKB (Bỉ) trao đổi về dự án
“Để tri ân công đức của vị anh hùng Lê Lợi đã mang lại nền thịnh trị cho dân tộc, con cháu của Người ở mọi miền Tổ quốc đã hội tụ về đây tưởng nhớ. Mảnh đất này đã sản sinh ra Người và Người cũng đã lao tâm khổ tứ làm nên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vì dân, vì nước, thiết lập một vương triều vững mạnh. Ngày nay con cháu của Người luôn nghe văng vẳng tiếng Người dạy dỗ: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Lời dạy của Người không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị mãi mãi. Khai trương dự án Công viên sinh thái Tre luồng Thanh Tam, là một bước để phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế môi trường, tăng trưởng xanh để xây dựng quê hương Lam Sơn giàu đẹp”, ông Lê Văn Tam – Anh hùng lao động, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn cho biết.
Toàn cảnh buổi lễ khai trương
Nhân dịp này, Quỹ Khuyến học Mía đường Lam Sơn đã trao 600 suất quà cho 600 em học sinh vùng mía Lam Sơn có thành tích xuất sắc trong học tập; trao tiền hỗ trợ Hội Khuyến học tỉnh, Hội đồng họ Lê Việt Nam, các huyện: Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thọ Xuân với tổng số tiền 450 triệu đồng.
Quỹ khuyến học mía đường Lam Sơn trao tiền hỗ trợ khuyến học cho các địa phương
Hội chợ “Mùa thu Lam Kinh” được tổ chức tại Trung tâm thương mại xanh Lam Sơn, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Với 300 gian hàng, Hội chợ là nơi cung cấp, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao, các thiết bị máy móc tiên tiến, các sản phẩm từ tre luồng, các mặt hàng nông sản cao cấp nhập từ EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Cắt băng khai trương Hội chợ Mùa thu Lam Kinh
Cũng trong khuôn khổ của Lễ hội mùa thu Lam Kinh, Công ty CP Mía đường Lam Sơn phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Câu lạc bộ Doanh nghiệp – Doanh nhân họ Lê tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp, doanh nhân được các chuyên gia kinh tế diễn thuyết các chủ đề, như: Đầu tư nông nghiệp - nông thôn trong bối cảnh cách mạng 4.0; sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Thanh Hóa và các chính sách hỗ trợ; phân bón sinh học canh tác hữu cơ và bảo vệ môi trường; giải pháp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và kết nối tiêu thụ nông sản an toàn; giới thiệu chương trình xúc tiến thương mại năm 2019; kết quả bước đầu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; định hướng phát triển, kết nối mở rộng sản xuất, tiêu thụ trong các HTX vùng mía đường Lam Sơn…
Diễn đàn xúc tiến đầu tư - kết nối - giao thương
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Quang, Phó TGĐ thường trực Công ty Mía đường Lam Sơn chia sẻ: "Nền nông nghiệp nước nhà đã và đang trên đà phát triển mạnh mẽ, cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, bức bách của nông nghiệp hiện nay là vẫn tồn tại “Được mùa thì mất giá – được giá thì mất mùa” và điệp khúc “Trồng chặt, chặt trồng”… Nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Vì vậy, cần tăng cường các giải pháp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và kết nối tiêu thụ nông sản an toàn cũng như các chương trình xúc tiến thương mại".
Cũng tại diện đàn, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã ký biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Việt Nhật, Viện Nghiên cứu thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội, 2 HTX và các nhà phân phối về hợp tác đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân viên, nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển các sản phẩm mới từ nguyên liệu nông nghiệp, nông sản…
Nằm trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội mùa thu Lam Kinh năm 2018, những ngày tiếp theo trên vùng đất Lam Sơn anh hùng còn có nhiều các hoạt động ý nghĩa, thiết thực khác.
Minh Hiền