Làng Quất Động (Thường Tín) - cái nôi của nghề thêu truyền thống

09:54 28/02/2021

Làng Quất Động (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) tồn tại hàng trăm năm lịch sử với nghề thêu truyền thống nổi tiếng tại chốn Kinh kỳ.

Nằm ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 25 km, làng xưa kia vốn nổi tiếng với nghề thêu cân đai, áo mão, tán, lọng, hia, hài, câu đối, trướng. Ngày nay, làng thêu Quất Động còn được biết đến là nơi tạo ra những sản phẩm thêu tay cầu kỳ và tinh tế được xuất khẩu đi rất nhiều cả trong và ngoài nước.

  Đình làng Quất Động, nơi sinh hoạt của người dân trong làng.

Theo sử sách ghi lại, ông tổ nghề thêu của làng Quất Động là Tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái, sinh năm 1606 tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội). Tương truyền từ nhỏ ông đã có tiếng ham học và hay chữ, lớn lên, ông thi đỗ Tiến sĩ. Sau khi ra làm quan, ông được triều đình bổ dụng vào các chức vụ từ biên quận đến triều đình, thăng dần lên hàng Thượng thư, từng được cử đi sứ nhà Minh. Do lập được nhiều công trạng, ông được triều đình ban cho Kim tử Vinh Lộc Đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính. Do đó mà ông có tên Lê Công Hành.

Năm 1637, ông đỗ tiến sĩ, năm 1646, ông được cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Trong thời gian này, ông đã học được cách thêu lọng và sau này đem nghề thêu về dạy cho dân làng Quất Động. Để ghi nhớ công ơn ông, sau khi Lê Công Hành mất (năm 1661), người dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu. Ngoài ra, Lễ giỗ tổ nghề của những làng sinh sống bằng nghề thêu tại Việt Nam thường được tổ chức vào ngày giỗ hàng năm của ông. Chỉ riêng tại Huế, lễ tế ông tổ nghề thêu Lê Công Hành tại phổ Cẩm Tú - Huế lại được tổ chức vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch hằng năm và ngày mồng 4 tháng Sáu âm lịch là ngày kỷ tổ.

Công đoạn thêu nói ra thì đơn giản, bắt đầu từ vẽ mẫu, căng khung nền, chấm kiểu, chọn chỉ màu, sau đó tiến hành thêu. Nhưng một sản phẩm thêu hoàn thành là sự kết hợp hoàn hảo giữa đôi bàn tay khéo léo và đôi mắt tinh thường, sự cảm nhận tinh tế và chăm chỉ, cần mẫn. Những nghệ nhân thêu làng Quất Động xứng đáng được gọi với danh xưng ấy, bởi chỉ từ cây kim, sợi chỉ, miếng vải, họ đã làm ra những sản phẩm thêu đầy màu sắc và ấn tượng. Tranh thêu làng Quất Động mang đậm màu sắc truyền thống, có cây cỏ, phong cảnh dân dã như cây đa, bến nước con thuyền, người làm đồng, đánh cá, dệt vải hay những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Mỗi bức tranh thêu là thấy cả hồn quê hiện hữu, khơi gợi tình yêu với non sông đất nước. Có lẽ vì thế mà các sản phẩm thêu của Quất Động nổi tiếng gần xa, không những phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất sang nước ngoài. 

  Những người thợ đang thêu hoa văn hình chim Hạc trên vải áo dài

Với người dân làng Quất Động, nghề thêu không chỉ mang tới nguồn thu nhập nuôi sống gia đình, mà đó còn là niềm tự hào về một thứ nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo và đức tính cần mẫn, tỉ mỉ. Nghề thêu tay không đơn thuần là một công việc nữa, mà mỗi thợ thêu với tình yêu làng quê, yêu truyền thống quý báu và tinh thần ham học hỏi, cầu tiến không ngừng, xứng đáng được gọi là những nghệ nhân thêu tài hoa.

Quất Động đã có nhiều nghệ nhân được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Trong làng hiện có ông Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng thêu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Nghệ nhân Thái Văn Bôn nổi tiếng với các bức thêu chân dung về các nguyên thủ quốc gia. Trong đó bức Chân dung vua Thái Lan được giới yêu thích nghệ thuật thêu quốc tế đánh giá rất cao. Ở Quất Động đầu những năm 90 có nhiều xưởng thợ. Xưởng to quy tụ chừng 200 tới 500 tay kim.

Với thời buổi kinh tế thị trường, sự cạnh tranh nghề may mặc và thêu đan khắc nghiệt, có những thời điểm nghề thêu chừng bị mai một, nhưng dân làng Quất Động vẫn kiên trì gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

Trung Hiếu