Năm 2019, sau khi loại gạo đặc trưng của Thái Lan (Hom Mali) không giành được giải thưởng gạo ngon nhất thế giới tại Manila – Philipine thì các nhà kinh doanh gạo và nông dân Thái Lan đã kêu gọi Bộ Nông nghiệp và các Hợp tác xã hành động ngay lập tức, ưu tiên phát triển và cải tiến giống gạo đặc trưng của quốc gia. Thậm chí có những áp lực lên Bộ Nông nghiệp và các chuyên gia, nếu không làm gì để cải thiện chất lượng gạo, thì gạo Thái lan có thể trở thành dĩ vãng trong 5 năm nữa vì người mua sẽ lựa chọn phiên bản rẻ hơn nếu không có sự khác biệt lớn.
KS Hồ Quang Cua chia sẻ: "Chúng tôi muốn xây dựng một số giống lúa có phẩm chất tốt nhất để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. 4 lần đưa gạo ST24, ST25 dự thi, đều đứng trong top đầu, 1 lần đạt giải nhất,1 lần giải nhì và 2 lần đạt giải ba. Qua những lần dự thi, tôi cho rằng, cần tiếp tục cố gắng hơn nữa để giữ vững thương hiệu gạo ngon Việt Nam. Nghĩa là phải liên tục duy trì và không ngừng nâng cao phẩm chất lúa gạo để luôn nằm trong Top dẫn đầu".
Trong suốt gần 30 năm, KS Cua và nhóm cán bộ nông nghiệp của tỉnh đã kỳ công chọn tạo lần lượt các giống lúa ST ra đời. Từ năm đầu tiên 1998, KS Cua chọn được 2 giống lúa mới và xin ý kiến UBND tỉnh lấy tên Sóc Trăng, viết tắt là ST đặt tên ST1 và ST2. Mỗi giống lúa có tính ưu và nhược điểm và phải chọn lọc, tiếp tục lai tạo qua từng năm. Đến khi giống lúa ST24 đạt top 3 gạo ngon nhất thế giới tại Ma Cao năm 2017 và năm 2019 đến lượt giống ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới tại Philippines (12/11/2019).
Mỗi giống lúa ST ra đời lần lượt cải tiến đáng kể về chu kỳ sinh trưởng và đặc tính ưa thích của người tiêu dùng về phẩm chất gạo. Lấy mốc trong 10 năm, từ 2008 (giống ST20) đến 2018 (ST24), chu kỳ sinh trưởng đã giảm 10 ngày, độ ưa thích (độ bền thể gel) đã tăng từ 65 mm lên 93 mm, riêng ST25 là 90 mm. Chu kỳ sinh trưởng sớm hơn giúp né mặn tốt hơn. Thân cứng chắc giúp chống đổ ngã. Các đặc tính:chiều dài hạt gạo, chiều ngang hạt gạo, độ trắng, mùi thơm, vị ngọt giữa các giống đều không có khác biệt rõ.
KS Cua cho biết thêm, trong công nghệ lai tạo chọn mùi thơm dứa, cốm (từ giống lúa Tám Thơm nổi tiếng ở các tỉnh phía Bắc) nhờ vào công nghệ lai và từ vật liệu di truyền lai tạo. Trước đây giống lúa ST19 rất ngon cơm, có mùi thơm nồng nàn từ hương cốm nhưng vì tính kháng bệnh kém nên không phát triển tiếp sau này. Riêng 2 giống lúa ST24 và ST25 chọn lọc mùi dứa và cốm mang tính dung hòa, rất ngon cơm và tính kháng sâu bệnh tốt. Tuy nhiên ở gần cuối chu kỳ chọn giống (lúc bắt đầu thử cơm) chúng tôi rất dè dặt ở khâu chọn lựa. Phải xây dựng điểm chuẩn để chấm, kiểm soát chặt tỉ lệ nước/gạo và quan trọng hơn cả là chọn người tinh ý để thử. Mỗi kết luận sẽ quyết định dòng lúa đó còn hay mất (được gieo trồng tiếp hay loại bỏ).
Theo kinh nghiệm của TS Hồ Quốc Lực- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta: Cần hiểu rõ lý do vì sao phải dự thi gạo ngon nhất thế giới. Chúng ta phải hiểu tiêu chí, mục đích, ý nghĩa của cuộc thi này thấu đáo, qua đó có lý giải phù hợp.
“Cuộc thi này nhằm khuyến khích các quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo quan tâm chăm lo tạo ra nguồn lương thực dinh dưỡng tốt hơn, hương vị tốt hơn và nhất là an toàn cho người tiêu dùng. Kết quả cuộc thi trở thành động thái marketing có sức lan tỏa và thuyết phục nhanh nhất, lớn nhất và mang lợi nhiều nhất cho quốc gia là chủ của gạo có tiếng tăm đó”, TS Lực cho biết.
Tại Thái Lan, sau khi gạo Jasmine giành được danh hiệu vào các năm 2009, 2010, 2014, 2016 và 2017, Chính phủ đã cam kết hỗ trợ nông dân trồng lúa với kế hoạch thu mua gạo với giá cao hơn giá thị trường. Theo số liệu thống kê năm 2014, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo nhiều về sản lượng và cao về giá trị. Đặc biệt, gạo Hom Mali xuất khẩu giá cao hơn thị trường rất nhiều. Việc Thái Lan vươn lên trở thành một quốc gia sản xuất lúa gạo là do sản lượng lúa gạo ở vùng Đông Bắc tăng lên. Trong khi trước đây ở miền Trung Thái Lan mới là nơi có sản lượng lúa gạo cao nhất nước. Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nước này dự báo trong năm 2020 xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn. Trong đó gạo Hom Mali chiếm 30% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi ở Việt Nam sản lượng lúa gạo chiếm phần lớn từ vựa lúa ĐBSCL. Giá trị hạt gạo của ST25 vẫn nằm loanh quanh ở sân nhà. Chúng ta chưa định giá bán cho loại gạo ngon nhất.
Được biết, sản lượng gạo ST25 hằng năm bán ra thị trường khoảng vài ngàn tấn (chủ yếu là thị trường nội địa), trong khi đó gạo Hom Mali có mặt rất nhiều trong các siêu thị và chợ trên toàn cầu. Anh L.M.Q., một doanh nghiệp phân phối gạo ST25 tại Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu người tiêu dùng gạo ST25 mỗi tháng tại cửa hàng anh từ 20 -30 tấn, tuy nhiên nhà cung cấp chỉ đáp ứng 30 - 40%. Điều đó cho thấy, cần xây dựng chuỗi giá trị và có hệ thống đưa sản phẩm gạo ST25 đi nhiều hơn và xa hơn nữa trong thời gian tới.
Một chuyên gia chia sẻ rằng, ST25 muốn đi xa hơn thì cần thoát khỏi tư duy cũ của gia đình KS Cua. Ông Cua là tác giả giống gạo ST25 không ai bàn cãi, thậm chí ông còn có công đưa hạt gạo làng ta vươn ra thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt là cả một quá trình dài, bao gồm cả việc xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu doanh nghiệp. Khi đã xây dựng được thương hiệu thì phải giữ gìn và bảo vệ được thương hiệu đó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài, bên cạnh thương hiệu phải chiếm được sự tin tưởng của khách hàng, qua đó nâng tầm giá trị gạo Việt. Nghĩa là chúng ta đã có nhà khoa học giỏi rồi, cần phải có những nhà sản xuất chuyên nghiệp, có cánh đồng mẫu lớn… Có doanh nghiệp, có thị trường, khách hàng lớn trên thế giới để đưa hạt gạo ST25 cạnh tranh với Hom Mali của Thái Lan. Điều này rất cần các chính sách từ Chính phủ và lãnh đạo bộ, ngành chung tay để “cô gái” ST25 không phải chỉ nổi danh trên diễn đàn gạo ngon thế giới, mà người tiêu dùng ai cũng có cơ hội được ăn gạo ST25.
Trần Hữu Lễ