Lãi suất tiết kiệm VNĐ sẽ ra sao trong năm 2021?

09:32 04/01/2021

Theo giới phân tích, lãi suất tiết kiệm khó có thể tăng lại trong năm 2021 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục duy trì định hướng nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...

Lãi suất tiết kiệm VNĐ sẽ ra sao trong năm 2021?
Lãi suất tiết kiệm VNĐ sẽ ra sao trong năm 2021?. Nguồn: Internet

Dự báo năm 2021, giới chuyên gia cho rằng lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp.

"Chính sách của phần lớn các ngân hàng thương mại trong năm 2021 là tiếp tục cải thiện chất lượng tín dụng chứ không ưu tiên tăng trưởng mạnh về quy mô. Mặt khác, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất đầu ra cho các khoản vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp nên dư địa tăng lãi suất tiết kiệm không nhiều", một chuyên gia kinh tế nhận định.

Dưới góc độ của đơn vị tư vấn đầu tư, nhóm phân tích của VNDirect kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2021 trong bối cảnh áp lực lạm phát năm tới ở mức thấp.

Theo VNDirect, mặc dù NHNN có thể không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa nhưng sẽ không nâng lãi suất lên trong năm 2021, một động thái nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Đồng thời, nhà điều hành có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với các ngân hàng thương mại.

"Chúng tôi cho rằng lãi suất tiết kiệm và cho vay sẽ giảm 0,20 - 0,5 điểm% trong năm 2021 trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt", phía VNDirect cho biết.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại. Lý giải cho vấn đề này, theo VCBS đó là, chưa xuất hiện rủi ro thanh khoản đến từ nợ xấu.

Thứ hai, các chỉ số an toàn hoạt động không chịu áp lực. Cụ thể, việc tăng trưởng tín dụng dựa một phần vào trái phiếu doanh nghiệp giúp giảm áp lực lên tỷ lệ LDR khi tử số chỉ tính tới các khoản cho vay khách hàng; việc không trả cổ tức tiền mặt theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước giúp hệ số an toàn vốn CAR tăng lên; áp lực lên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giảm nhẹ khi Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn giảm mức trần của tỷ lệ này.

Thứ ba, áp lực thanh khoản từ tăng trưởng tín dụng được VCBS dự báo chưa xuất hiện trong 2020 và có thể phải tới cuối 2021 mới xuất hiện trở lại.

Còn trên cương vị là lãnh đạo điều hành ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng không nghiêng về khả năng lãi suất huy động sẽ đảo chiều tăng mạnh khi nền kinh tế phục hồi trở lại.

"Nếu nền kinh tế vẫn ổn định, người dân tiếp tục làm ăn, trong nước kiểm soát được dịch, kiểm soát được lạm phát, GDP tiếp tục tăng lên thì mặt bằng lãi suất thấp hiện tại duy trì càng lâu càng tốt, thậm chí tiếp tục giảm nếu có thể", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.

TH