Thứ bảy 14/09/2024 03:37
Hotline: 024.355.63.010
Tài chính

Lãi suất cho vay giảm sâu, vì sao khách hàng vẫn khó chuyển nợ?

24/09/2023 22:25
Ngay sau khi quy định cho phép khách hàng cá nhân vay vốn ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác có hiệu lực, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã giảm sâu. Dù vậy, việc chuyển nợ vẫn không mấy dễ dàng.
aa

Ảnh minh họa
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN.

Để sở hữu một căn chung cư tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), anh Trọng Khối (nhân viên kinh doanh) đã vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng cách đây 3 năm, lãi suất hiện trên 14%/năm.

Trước thông tin nhiều ngân hàng công bố lãi suất cho vay chuyển nợ chỉ khoảng 6-7%/năm, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất đang trả hàng tháng, anh Khối đặc biệt quan tâm đến chính sách mới này.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, anh Khối cho biết: "Mức lãi suất các ngân hàng công bố mới đây thật sự rất hấp dẫn nhưng chỉ áp dụng trong thời gian ưu đãi. Như khoản vay của gia đình tôi đã hơn 3 năm, hết thời gian ưu đãi là 24 tháng rồi nên dù có chuyển nợ sang ngân hàng khác cũng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi, đâu đó khoảng hơn 10%/năm. Cộng thêm các khoản phí trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ và các phí thẩm định hồ sơ khác, tính kỹ ra thì cũng gần bằng nhau".

Tương tự như anh Khối, gia đình chị Quỳnh Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đã tìm hiểu về việc vay chuyển nợ tại một số ngân hàng. Chị cho biết để chuyển khoản vay mà vẫn nhận được lãi suất ưu đãi thấp nhất, chị sẽ cần trả nợ hết khoản vay tại ngân hàng cũ, giải chấp tài sản rồi mới đem tài sản đó đi thế chấp để vay mới; hoặc sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay.

"Cả 2 phương án này đối với gia đình tôi đều không khả thi vì không biết vay mượn ở đâu để đủ trả hết nợ cũ, rút tài sản thế chấp về, còn thế chấp bằng tài sản khác để vay thì cũng không có món nào đủ giá trị để thế chấp cả", chị Quỳnh Anh nói.

Trao đổi về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá quy định mới tạo điều kiện cho khách hàng có thể vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác, buộc các ngân hàng phải cạnh tranh công bằng, bình đẳng và lành mạnh trên thị trường cho vay, nếu không khách hàng sẽ chuyển sang vay ở ngân hàng có lãi suất ưu đãi và ổn định hơn.

"Tuy vậy, các khoản vay lớn tại ngân hàng hầu hết đều có yêu cầu về tài sản đảm bảo. Việc trả nợ ở ngân hàng này để có tài sản đảm bảo đem đi vay ở ngân hàng khác là điều khó khăn cho người vay. Thêm nữa, các quy định về thời hạn vay, phí phạt trả nợ trước hạn, các phí phải trả khi chuyển nợ cũng khiến người vay phải cân nhắc, liệu có bù lại với mức chênh lệch lãi suất giữa ngân hàng mới với ngân hàng cũ hay không", ông Thịnh chia sẻ.

Do đó, ông Thịnh đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại cho vay trên cơ sở tài sản đảm bảo đang có. Bởi các thông tin về khoản vay và tài sản đảm bảo đều có trên trung tâm thông tin của ngân hàng nên có thể tạo điều kiện cho khách hàng chuyển nợ mà không cần giải chấp tài sản từ ngân hàng cũ.

"Ngân hàng cho vay mới có thể dựa trên các thông tin sẵn có về tài sản đảm bảo để thẩm định lại và duyệt hồ sơ cho vay thay vì khách hàng phải thế chấp một tài sản khác hoặc giải chấp tài sản đang có tại ngân hàng cũ. Điều này sẽ giúp người vay tiếp cận nguồn vốn vay mới dễ dàng hơn và các ngân hàng cũng tăng tính cạnh tranh hơn", vị chuyên gia kiến nghị.

Trên thực tế, một số ngân hàng cũng đã có động thái "giữ chân" khách hàng bằng cách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu. Như tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)... lãi suất thả nổi đã giảm từ mức 14-15%/năm xuống còn khoảng 13-13,3%/năm. Thậm chí, theo một nhân viên tín dụng, khách hàng có thể làm đơn đề nghị giảm lãi suất để từ đó ngân hàng có cơ sở đánh giá lại khoản vay và điều chỉnh lãi suất phù hợp.

Việc khách hàng có thể vay ngân hàng này để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống được quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có hiệu lực từ tháng 9/2023.

Các khách hàng đang vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà, mua ô tô... sẽ có cơ hội thụ hưởng ưu đãi từ chính sách mới nêu trên.

Cập nhật về lãi suất cho vay chuyển nợ tại các ngân hàng cho thấy, mức lãi suất ưu đãi hiện từ 5,6-8%/năm.

Trong đó, lãi suất hấp dẫn nhất áp dụng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với mức từ 5,6%/năm cho vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm cho vay tiêu dùng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho vay với lãi suất từ 6%/năm cho khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm cho khoản vay trung dài hạn.

Lãi suất ưu đãi tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác linh hoạt từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu...

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho vay chuyển nợ với lãi suất từ 7,3%/năm; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ưu đãi từ 6,9%/năm...

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) cũng công bố lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm dành cho khách hàng chuyển đổi dư nợ từ các tổ chức tín dụng khác.

Bà Nguyễn Phương Huyền, Phó Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Sacombank cho biết việc cho phép người đi vay có thể vay từ tổ chức tín dụng này để trả nợ trước hạn khoản vay tại tổ chức tín dụng khác phục vụ mục đích tiêu dùng tạo điều kiện cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn, đồng thời tạo động lực để các ngân hàng tích cực nâng tầm chính sách bán hàng và chăm sóc khách hàng của mình.

Tuy nhiên, đại diện Sacombank lưu ý khách hàng việc chuyển dư nợ vay sang tổ chức tín dụng khác không đồng nghĩa với việc kéo dài thời hạn cho vay so với hợp đồng vay ban đầu và đó phải là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Lê Phương (TTXVN)

Tin bài khác
Vi phạm tố tụng trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai gây bức xúc dư luận

Vi phạm tố tụng trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai gây bức xúc dư luận

Ông Nguyễn Đình Chín kiến nghị, trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã nhận định, đánh giá sai chứng cứ, tuyên án không đúng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông.
Đề xuất lùi thời hạn tắt sóng 2G tại Việt Nam

Đề xuất lùi thời hạn tắt sóng 2G tại Việt Nam

Cục Viễn thông đang tham mưu với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tạm dừng một phần hoặc lùi thêm thời gian của quy định tắt sóng 2G Only.
Giá iPhone 16 tại thị trường Việt Nam có phần tốt hơn các thị trường khác

Giá iPhone 16 tại thị trường Việt Nam có phần tốt hơn các thị trường khác

Cụ thể, giá của iPhone 16 Pro Max tại thị trường Việt Nam đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có giá bán thấp nhất.
Bầu Đức có thu nhập ổn đinh 200 triệu đồng mỗi tháng

Bầu Đức có thu nhập ổn đinh 200 triệu đồng mỗi tháng

Thu nhập của bầu Đức duy trì ổn định khoảng 200 triệu đồng/tháng trong nhiều năm qua. Trong nửa đầu năm 2024, ông nhận hơn 1,2 tỷ đồng, đứng đầu tập đoàn.
Tăng trưởng nổi bật của thị trường bán lẻ cao cấp TP.Hà Nội và TP.HCM

Tăng trưởng nổi bật của thị trường bán lẻ cao cấp TP.Hà Nội và TP.HCM

Việt Nam đang trải qua sự bùng nổ trong lĩnh vực bán lẻ cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM.
lp-bank
tms-group
dic-vu-minh-tuan