![]() |
Lá trầu không rất quen thuộc với người dân Việt Nam, không chỉ ngoài đời sống mà còn đi vào trong thơ ca, âm nhạc, truyện cổ tích,... Rất nhiều người không biết rằng, ngoài tên gọi trầu không, loài cây này còn được gọi bằng các cái tên khác như trầu cay, trầu lương, thổ lâu đằng,... Cây trầu không thuộc họ hồ tiêu và có tên khoa học là Piper betle L, cây thân leo và có cành hình trụ, rễ cây bén ở các mấu, lá trầu không mọc so le, hình tim tròn đôi khi không cân xứng.
Cây trầu không ưa ẩm và ánh sáng nên phát triển mạnh vào mùa mưa ẩm khoảng từ tháng 5 đến tháng 8. Lá trầu không thường được thu hoạch để ăn trầu, làm thuốc hoặc để cúng gia tiên trong các ngày lễ mùng một, ngày rằm,... hoặc các sự kiện quan trọng như cưới hỏi.
![]() |
Trong 100g lá trầu không có thành phần như sau:
Năng lượng: 44 kcal.
Nước: 85.6g.
Protein: 3.1g.
Lipid:0.8g.
Muối khoáng: 2.3g.
Chất xơ: 2.3g.
Cacbohidrat:6.1g.
Canxi: 0.5g.
Sắt: 0.007g
Vitamin A: 2.5mg
Ngoài ra, lá trầu còn chứa một số dưỡng chất như vitamin nhóm B, axit ascorbic, caroten, tinh dầu,...
![]() |
Ăn lá trầu không không chỉ là một phong tục tập quán từ xa xưa của dân tộc ta mà đây cũng là một phương thuốc trong Đông y, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nếu sử dụng liều lượng phù hợp. Tuy nhiên, để đạt được các tác dụng này một cách hiệu quả, an toàn thì chúng ta cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Các tác dụng dưới đây chỉ dành cho bạn đọc tham khảo, chúng ta không nên tự ăn lá trầu để hỗ trợ điều trị bất cứ bệnh lý gì tại nhà mà chưa có chỉ định hay hướng dẫn của chuyên gia.
Hỗ trợ điều trị một số bệnh răng miệng
Lá trầu không có chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất diệt khuẩn. Chính vì vậy nó có công dụng hỗ trợ trị hôi miệng rất hữu hiệu. Không chỉ vậy, với các hoạt chất chống viêm với tính sát khuẩn tốt, khi nhai lá trầu hoặc uống nước lá trầu cũng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe răng miệng, hạn chế nguy cơ bị sâu răng.
Trong lá trầu còn chứa hoạt chất Flavonoid, chất này có khả năng cầm máu và sát khuẩn cao, nhờ đó mà sử dụng lá trầu còn giúp làm giảm thiểu tình trạng chảy máu chân răng, tình trạng bị nhiệt miệng.
Hỗ trợ giảm đau
Lá trầu cũng được biết đến như một phương thuốc hỗ trợ giảm đau khá tốt. Nó sẽ hỗ trợ chúng ta giảm đau đầu, giảm đau các vết thương hay vết bầm tím, trầy xước, viêm nhiễm trên da. Chúng ta có thể đun lá trầu không lên để lấy nước uống hoặc cũng có thể giã nát rồi đắp lên vết thương đều được.
Giúp cải thiện bệnh tiểu đường
Lá trầu không chứa hoạt chất tanin có đặc tính điều trị đái tháo đường. Ngoài ra, các alkaloid có trong trầu cũng giúp làm giảm lượng đường trong máu bằng cách ức chế sự hấp thụ glucose trong ruột.
Không chỉ vậy, lá trầu còn rất giàu chất chống oxy hóa, cụ thể là polyphenol có tác dụng bảo vệ các tế bào tuyến tụy khỏi tác hại của các gốc tự do, nhờ đó hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn.
Giảm mức cholesterol xấu trong cơ thể
Eugenol trong lá trầu có khả năng ngăn cản quá trình tổng hợp cholesterol ở gan. Nó cũng hỗ trợ quá trình dị hóa của cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), làm giảm lượng cholesterol xấu này trong cơ thể. Nhờ vậy, nó cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Chống lại bệnh trầm cảm
Lá trầu có thể được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để kích thích chức năng hệ thần kinh trung ương.
Sự hiện diện của các hợp chất phenolic thơm trong lá trầu có khả năng kích thích giải phóng hormone catecholamine. Đây là một loại hormone có công dụng hỗ trợ tăng cường cảm giác hạnh phúc và nâng cao tâm trạng. Nhờ vậy mà nó có khả năng điều trị các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Hỗ trợ trong việc làm giảm triệu chứng ho và tắc nghẽn
Lá trầu có đặc tính kháng viêm khá cao, chính vì vậy mà có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng như ho do cảm cúm hay viêm họng.
Trong Đông y, lá trầu cũng được sử dụng như một phương thuốc để hỗ trợ điều trị chứng ho có đờm, đau tức ngực, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
![]() |
Khi sử dụng phương pháp chữa bệnh từ lá trầu không, cần lưu ý những điều sau:
Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp chữa bệnh từ lá trầu không, nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa để tránh những rủi ro không đáng có. Bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn.
Hạn chế phụ thuộc vào các phương pháp chữa bệnh dân gian. Dù lá trầu không có một số tác dụng điều trị, việc phối hợp với các biện pháp điều trị chuyên sâu được bác sĩ chỉ định sẽ giúp bệnh tình có tiến triển tốt hơn và đảm bảo an toàn.
* Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo!