Kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt kỳ vọng trong quý II/2024

10:59 26/07/2024

Theo các số liệu mới công bố, bất chấp áp lực từ mức lãi suất cao, nền kinh tế Mỹ vẫn đạt được mức tăng trưởng khá vững chắc, trong bối cảnh áp lực lạm phát dần lắng dịu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, trong quý II, GDP Mỹ tăng mạnh hơn kỳ vọng nhờ tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu công cùng đi lên.

Cụ thể, GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 2,8% trong quý II. Tốc độ này cao hơn quý đầu năm (1,4%) và nhỉnh hơn dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Dow Jones (2,1%).

Tạp chí Forbes ngay lập tức đã đăng bài thể hiện sự tự tin vào nền kinh tế Mỹ. Mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến đã giúp xoa dịu những lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây và củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đạt được kịch bản hạ cánh mềm, vừa đưa lạm phát lùi về mức mục tiêu nhưng cũng đảm bảo không dẫn tới suy thoái.

Theo các số liệu mới công bố, bất chấp áp lực từ mức lãi suất cao, nền kinh tế Mỹ vẫn đạt được mức tăng trưởng khá vững chắc, trong bối cảnh áp lực lạm phát dần lắng dịu. Thị trường lao động dù ghi nhận một số tín hiệu suy yếu nhưng vẫn khá mạnh mẽ. Điều này cho phép người tiêu dùng tiếp tục rút hầu bao mua sắm.

Tiêu dùng tăng 2,3% quý trước, mạnh hơn so với mức 1,5% quý I. Chi cho hàng hóa và dịch vụ đều đi lên. Đầu tư của doanh nghiệp cũng thêm 11,6%. Chi tiêu của Chính phủ cũng nhích lên trong quý II.

Chuyên gia kinh tế Satyam Panday từ Công ty S&P Global Ratings nhận định: "Đà tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào chi tiêu tiêu dùng. Trong quý I, tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng ở mức 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái và trong quý II, con số này là hơn 2%. Với việc 2/3 GDP đến từ tiêu dùng, đà tăng trưởng đã được thúc đẩy đáng kể. Bên cạnh đó, chi tiêu kinh doanh cho các thiết bị cũng tăng so với quý I, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Ông Olu Sonola - Tưởng bộ phân nghiên cứu thị trường Mỹ của Công ty Fitch Ratings, cho rằng: "Dữ liệu này thật sự rất tích cực, cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đang thực sự rất mạnh, kinh doanh tăng trưởng. Chúng ta đã chứng kiến có một sự tăng tốc ngay trong quý II. 6 tháng đầu năm về cơ bản đang đi theo đúng hướng mà FED muốn thấy. Số liệu mới cũng xác nhận một điều rằng, lạm phát nhìn chung vẫn đang hạ nhiệt. FED sẽ tiếp tục mong muốn số liệu này hướng đến mức mục tiêu 2%. Đây gần như là kịch bản hoàn hảo cho kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, nếu nhìn từ góc độ tăng trưởng".

Theo dữ liệu, xuất khẩu tăng 2% và nhập khẩu tới 6,9% - lớn nhất kể từ đầu năm 2022. Thâm hụt thương mại là yếu tố kéo giảm GDP quý trước. Thị trường bất động sản nước này cũng chưa hồi phục nhiều.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng 2,6% trong quý II, giảm so với 3,4% quý I. Không tính giá năng lượng và thực phẩm vốn hay biến động, chỉ số này tăng 2,9% - thấp hơn so với 3,7% quý đầu năm. Điều này cho thấy áp lực lạm phát đang dần hạ nhiệt, một tín hiệu tích cực cho cả nền kinh tế và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tiếp tục giảm, xuống còn 3,5% trong quý II, thấp hơn mức 3,8% của quý I.

Thêm vào đó, một báo cáo gần đây từ Fed khu vực Philadelphia đã hé lộ những dấu hiệu đáng lo ngại. Số dư thẻ tín dụng đã đạt mức cao kỷ lục, trong khi các ngân hàng đang thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng và giảm phát hành thẻ mới.

Thị trường nhà ở cũng đang phải đối mặt với những thách thức riêng. Doanh số bán hàng đang giảm, nhưng giá nhà vẫn tiếp tục tăng, tạo ra một môi trường khó khăn cho người mua nhà lần đầu.

Trong bối cảnh này, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Fed. Các quan chức Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới, nhưng thị trường đang đặt cược vào khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 – đây có thể lần giảm đầu tiên trong 4 năm qua. Các nhà hoạch định chính sách vẫn thận trọng về thời điểm bắt đầu giảm lãi suất, nhưng những bình luận gần đây cho thấy họ đang cởi mở hơn với ý tưởng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thu Trang (t/h)

Tags: