Trên thế giới, các nước phát triển cũng như đang phát triển đều có những nỗ lực để cải tiến và tăng trưởng năng suất chất lượng và hướng tới tiếp cận với nền sản xuất thông minh. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... đã và đang triển khai các chương trình năng suất quốc gia như một giải pháp chiến lược để đạt được mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc.
Tại Nhật Bản: Phong trào năng suất Nhật Bản bắt đầu được triển khai từ năm 1955, theo hướng nâng cao năng suất trí tuệ, năng suất xã hội và năng suất môi trường; phát triển năng suất tổng hợp nhằm “tạo ra một xã hội với sự tin cậy và sức mạnh”.
Tại Singapore: Mục tiêu trọng yếu của Chương trình năng suất Singapore đặt ra là chuyển đổi sang nền kinh tế trí thức. Môi trường mới này đã yêu cầu chuyển đổi từ sự phát triển dựa vào các yếu tố đầu vào thành sự phát triển dựa vào đổi mới và từ sự hạn chế về tài nguyên thành sự giàu có về trí thức.
Tại Malaysia: Phong trào năng suất chất lượng của nước này được bắt đầu từ năm 1981 khi Chính phủ Malaysia đưa ra chính sách “Nhìn về châu Á”. Chính phủ Malaysia đã triển khai chiến dịch nâng cao năng suất lần thứ 3 nhằm nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế và sức cạnh tranh quốc gia. Chương trình đổi mới và hỗ trợ doanh nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là truyền bá tinh thần đổi mới trong các doanh nghiệp; nâng cao năng lực và ứng dụng các phương pháp thực hành tốt nhất.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã dành sự quan tâm đến vào vấn đề năng suất quốc gia thông qua xây dựng và phát triển được các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh đất nước.
Điển hình như: Hàn Quốc và Đài Loan đã xây dựng được một kế hoạch năng suất dựa trên nền tảng công nghệ 4.0. Thái Lan cũng đang xây dựng Chiến lược năng suất dự trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Malaysia chú trọng Chiến lược năng suất hướng tới các mô hình quản lý tinh gọn trong tất cả các lĩnh vực…
Bên cạnh việc xây dựng Chiến lược, kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ. Cụ thể như: Hàn Quốc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý sản xuất , đánh giá thực trạng và tư vấn các áp dụng sản xuất thông minh; đào tạo nhân lực cho ngành in 3D, tổ chức giải thưởng năng suất.
Trong khi đó, Đài Loan tập trung cao độ cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện mô hình sản xuất thông minh như: hỗ trợ về đào tạo, huấn luyện thực hành theo các cấp độ của sản xuất thông minh; hướng dẫn áp dụng các hệ thống điều hành sản xuất, hệ thống hoạch định nguồn lực công nghệ AT...