Tối 14/3, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức vinh danh và trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do người tiêu dùng bình chọn cho 519 doanh nghiệp.
Trong đó, có 32 doanh nghiệp đạt hàng Việt Nam chất lượng cao 27 năm liên tiếp; 41 doanh nghiệp lần đầu tiên được bình chọn; 132 doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập đạt hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn... Ngoài ra, tại 519 doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 đã và đang giải quyết việc làm cho khoảng 341.560 người lao động toàn thời gian và 28.791 người lao động bán thời gian.
Tham dự sự kiện có ông Lê Minh Hoan - Uỷ viên BCH TW Đảng - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ông Phan Văn Mãi Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Bí thư TT Thành uỷ - Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Quân nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, ông Phan Thanh Bình Uỷ viên BCH TW Đảng - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, ông Võ Tấn Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc VCCI-HCM, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng - TỔng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng-Bộ KHCN, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp -Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ NN & PTN, bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Hoà - Chủ tịch HH Doanh nghiệp TPHCM,...
Những doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 được vinh danh và trao chứng nhận có thể kể đến như công ty CP bánh kẹo Á Châu, công ty CP đồ hộp Hạ Long, công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk, công CP Tập đoàn Trung Nguyên; công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, công ty TNHH Nệm Vạn Thành, công ty TNHH May thêu giày An Phước; công ty CP Dược Hậu Giang, công ty CP Tập đoàn Thiên Long, công ty CP Giấy Sài Gòn...
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao là câu chuyện bền bỉ về hàng Việt; trong đó tinh thần dân tộc là một trong những yếu tố góp phần thành công cho thương hiệu hàng hóa của doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, trong thời gian tới, doanh nghiệp tạo ra sản phẩm được định danh hàng Việt Nam, nên tư duy và phát huy tinh thần dấn thân không mệt mỏi để hội nhập thị trường thương mại tự do.
Hiện tại, Việt Nam có nhiều đơn vị đồng hành kích hoạt làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp và trên thực tế chỉ có sức mạnh tập thể mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Do đó, câu chuyện hàng Việt hay khởi nghiệp, không chỉ là của Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp... mà phải có sự chung tay của nhiều thành phần và mọi nguồn lực, nhất là người dân Việt Nam.
Nhân cuộc nói chuyện tại sự kiện với hàng trăm doanh nhân, Bộ trưởng chia sẻ 3 cuốn sách nên đọc khi bước vào thương trường. Trong đó có Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới của Og Mandino, Trên đường băng và Cafe buổi sáng của Tony.
“Tôi vào nhà sách Nguyễn Huệ 3 lần mới mua cuốn sách này, cuốn này là câu chuyện bán hàng mà không phải bán hàng, cũng như nói về doanh nghiệp mà không hẳn là doanh nghiệp. Đó là cuốn Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới."
Bộ trưởng kể câu chuyện cô bán nước hoa cho khách ở Seuol đã rơm rớm nước mắt khi không bán được cho khách nước ngoài chai nước hoa của nước mình. Và cô này cho rằng đó là nhiệm vụ mà tổ quốc giao cho cô.
Câu chuyện của nhà văn tự xưng là Tony kể về chuyến lần đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở Việt Nam ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm nhờ ông mua giùm. Ở cửa hàng, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho Tony xem mấy tiếng đồng hồ, đều là mỹ phẩm của Hàn cả. Do tiếng Anh không tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng và bật khóc. Cô khóc vì tình yêu nước của cô không thuyết phục được khách hàng, cô khóc vì đã không làm tròn nhiệm vụ tổ quốc giao phó. Mỗi người trong xã hội Hàn Quốc được ngầm phân công cụ thể, ai đi học thì phải học chăm chỉ, ai sản xuất thì sản xuất cho tốt, ai bán hàng thì phải bán cho được hàng, ai tiêu dùng thì phải mua đồ Hàn Quốc. Nghĩa vụ của một công dân đối với nền kinh tế đất nước chỉ có vậy thôi, âm thầm làm và làm, không nhìn ngó và chỉ trích. Giọt nước mắt nóng bỏng của lòng tự hào dân tộc khiến Tony sững sờ. Cô chỉ là 1 người bán hàng bình thường trong muôn ngàn người bán hàng ở xứ sở kim chi biết tự giác làm hết khả năng của mình vì cái lớn lao hơn là lợi nhuận. Vì kính phục, Tony bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn, dù chẳng biết có tốt không. Lúc bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại Tony vẫn thấy cổ gập đầu cung kính.
Kể xong Bộ trưởng lưu tâm cùng doanh nghiệp Việt rằng chúng ta cần chuyển hóa tâm lý dùng hàng Việt cho người Việt bằng cách kích hoạt những phiên chợ tử tế, phiên chợ xanh và làm sao mà có thể làm được như Nhật Bản họ đã làm. Nhưng sản phẩm tốt nhất họ ưu tiên cho người dân trong nươớ họ xài trước, rồi sau mới nói đến việc đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Câu chuyện của Bộ trưởng đã khiến cả khán phòng nóng bừng và những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt trong khán phòng chật kín những gương mặt doanh nhân Việt Nam đã rất thân quen và cả chưa thân quen trên thương trường đã có mặt tại sự kiện Lễ công bố Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao năm 2023 được tổ chức tại Dinh độc lập- một địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lớn của dân tộc ta.
Mị Dung