Khủng hoảng năng lượng toàn cầu sẽ kéo dài

16:10 08/10/2021

Giá khí đốt tự nhiên tăng một cách bất thường, chi phí than tăng vọt, dự đoán giá dầu lên đến 100 đô la là những sự kiện báo hiệu cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu sẽ còn kéo dài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Getty Images)

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do tác động từ thời tiết cực đoan, phục hồi chậm báo động đỏ khi mùa đông đang đến gần. Các chính phủ trên thế giới cố gắng hạn chế tác động tiêu cực đến người tiêu dùng nhưng khó có thể ngăn chặn được tình trạng trong nay mai.

Bức tranh khủng hoảng phức tạp và áp lực quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, sạch ngày càng đè nặng lên vai các chính phủ trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ diễn ra vào tháng 11. Ở Trung Quốc diễn ra tình trạng mất điện liên miên, tại Ấn Độ, các nhà máy điện tranh giành nguồn than. Phe ủng hộ người tiêu dùng ở châu Âu đang kêu gọi không ngắt điện nếu khách hàng chưa thể giải quyết kịp thời các hóa đơn. Giám đốc năng lượng EU Kadri Simson cho biết hôm thứ tư: "Cú sốc giá được coi là cuộc khủng hoảng bất ngờ ở thời điểm quan trọng". Ông đồng thời xác nhận khối sẽ vạch ra những chính sách phản ứng dài hạn trong tuần tới với ưu tiên trước mắt là giảm thiểu tác động xã hội và bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Theo dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence, ở châu Âu, khí đốt tự nhiên hiện đang giao dịch ở mức tương đương 230 đô la / thùng, giá dầu tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và cao gấp 8 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Tại khu vực Đông Á, giá khí đốt tự nhiên đã tăng 85% kể từ đầu tháng 9, đạt khoảng 204 đô / thùng. Giá vẫn thấp hơn nhiều ở Hoa Kỳ, nước xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên nhưng vẫn ở mức cao nhất trong 13 năm.

Nikos Tsafos, chuyên gia năng lượng và địa chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nhận định: "Nhiều người đang lo sợ về viễn cảnh mùa đông sắp tới sẽ ra sao". Các chiến lược nhằm đảm bảo nguồn khí đốt tự nhiên đã đẩy giá than và dầu lên cao nhưng cũng gây ảnh hưởng xấu đến khí hậu. Tình hình hiện tại khiến các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư sốt sắng. Giá năng lượng tăng đang góp phần gây ra lạm phát, vốn đã trở thành một mối quan tâm lớn khi nền kinh tế toàn cầu cố gắng loại bỏ những tác động kéo dài của Covid-19. 

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nhu cầu năng lượng tăng cao trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch. Nhu cầu khổng lồ đã cản trở quá trình tái cung cấp thường diễn ra vào mùa xuân và mùa hè tại Nga. Các nhà phân tích năng lượng tại ngân hàng Société Générale cho hay: "Giá điện năng ở châu Âu tăng vọt hiện nay là sự kiện chưa từng có. Chưa bao giờ giá điện tăng nhanh như vậy". Thời tiết khắc nghiệt trong những tháng tới sẽ tạo ra nhiều căng thẳng hơn, đặc biệt là ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên để sản xuất năng lượng, như Ý và Vương quốc Anh. Anh đang ở trong tình thế đặc biệt khó khăn vì nước này thiếu khả năng lưu trữ và đang phải đối phó với sự cố vỡ đường dây điện với Pháp.

Henning Gloystein, giám đốc nhóm năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại công ty tư vấn Eurasia Group, chỉ ra: “Vương quốc Anh có nguy cơ cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Âu về tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào mùa đông. Nếu điều này xảy ra, chính phủ có thể sẽ yêu cầu các nhà máy giảm sản lượng và tiêu thụ khí đốt để đảm bảo nguồn cung cấp cho các hộ gia đình". Giá năng lượng ở các nước phát triển đã tăng 18% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008, theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế công bố. Hóa đơn năng lượng cao hơn có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho các danh mục như quần áo và các hoạt động ăn uống bên ngoài. Nếu các doanh nghiệp được yêu cầu cắt giảm hoạt động để bảo tồn nguồn điện, điều đó cũng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.

TL (theo CNN)