Hội tụ các chuyên gia, nhà khoa học tài năng
Sự kiện này có sự góp mặt của 100 trí thức người Việt làm khoa học và công nghệ ở khắp nơi trên thế giới. Đây đều là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu và công tác trong các ngành: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics…
Tham gia làm việc và trao đổi với đoàn có lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và các tập đoàn lớn đang đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc như Viettel, VNPT, FPT…
Sự kiện thu hút đông các đại biểu tham dự
Với định hướng phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ mong muốn Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ trở thành hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt Nam phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để có thể thực hiện điều này, cần huy động tối đa nguồn lực trí tuệ, đặc biệt là từ các chuyên gia, trí thức người Việt Nam được đào tạo, nghiên cứu, làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển trên thế giới.
Buổi trao đổi và làm việc với đoàn các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học và tri thức của Việt Nam ở trong nước và nước ngoài là cơ hội tốt để Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các tập đoàn công nghệ của Việt Nam tại đây có thể trao đổi, thúc đẩy các cơ hội hợp tác, thu hút nhân tài, phát triển công nghệ, tạo lập diễn đàn kết nối mạng lưới các nhà khoa học trí thức Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tin tưởng, với những hỗ trợ của các bộ, ngành cũng như tiềm năng, thế mạnh phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc và của các tập đoàn công nghệ tại đây, cùng với nhiệt huyết, tài năng, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học và trí thức Việt Nam, buổi làm việc và trao đổi hôm nay sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và ngày càng phát triển trong thời gian tới để đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của nền khoa học và công nghệ của đất nước.
Đồng thời, Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong muốn sau chuỗi sự kiện của Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, hàng trăm nhà khoa học, trí thức trên toàn thế giới sẽ liên kết với nhau, hình thành được các nhóm như nhóm về tư vấn chính sách, nhóm về trí tuệ nhân tạo AL, nhóm về Big Data, nhóm về IoT... để đóng góp trí tuệ, tài năng vào quá trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thảo luận giữa các doanh nghiệp và nhà khoa học trẻ tài năng
Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu phát triển trở thành một thành phố khoa học công nghệ sinh thái thông minh, là nơi thu hút các cơ sở nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, sản xuất, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao nhằm phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong những năm qua, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tập trung hoàn thành xây dựng hạ tầng cơ sở bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, hoàn thiện thể chế chính sách, nhằm đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý và các điều kiện ưu đãi tốt nhất để thu hút nhà đầu tư có tiềm lực về khoa học và công nghệ cũng như các chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc và sinh sống tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. “Chúng tôi hy vọng sẽ được đón các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trí thức trên toàn thế giới về đây làm việc tại các Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc” – ông Nguyễn Trung Quỳnh cho hay.
Mong muốn thúc đẩy hợp tác
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn FPT đã giới thiệu về những công nghệ và sản phẩm tiêu biểu mà các tập đoàn đang nghiên cứu phát triển cũng như những đề xuất trong hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm với các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học.
Ông Trương Gia Bình chia sẻ tại sự kiện
Thay mặt cho những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT chia sẻ, dù các bạn ở đây có ở bất cứ đâu, tôi tin rằng các bạn đều mong muốn có một Việt Nam dân giàu nước mạnh, một Việt Nam vẻ vang đứng trong đội ngũ các quốc gia tiên tiến tiến trên thế giới. Chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng quan trọng là chia sẻ với nhau khát vọng. Do đó, chúng tôi rất mong muốn hợp tác với tất cả các bạn đưa ra lời giải hiệu quả cho các bài toán lớn trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh, tài chính, ngân hàng… và các đầu tư, nghiên cứu của FPT theo định hướng tiên phong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây…
“Nếu các bạn đã có những lời giải hay, những sản phẩm tốt thì cùng hợp tác với chúng tôi để mang những sản phẩm, lời giải đó ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu với niềm tự hào Việt Nam” – ông Trương Gia Bình nói.
Cũng theo ông Trương Gia Bình, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng tiên phong chuyển đổi số của Việt Nam. Chúng ta không thể bỏ lỡ mà cần chủ động nắm bắt. Các tài năng trẻ của Việt Nam có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu trong các ngành, cùng với các doanh nghiệp công nghệ như FPT hợp lực sẽ tạo nên sức mạnh vô giá để Việt Nam khai thác các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành quốc gia tiên phong chuyển đổi số
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ tại sự kiện
Ở chiều ngược lại, các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học cũng trao đổi với Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các tập đoàn về các khả năng hợp tác, kết nối trong nghiên cứu phát triển công nghệ và sản phẩm. Anh Nguyễn Thành Vinh, Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho biết, được tham gia sự kiện lần này, tôi cảm thấy choáng ngợp về nhân tài của Việt Nam trên thế giới, choáng ngợp trước sự quyết tâm quyết liệt của Chính phủ và các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, các tập đoàn đều có định hướng riêng, nếu kết hợp được cùng các trường đại học và các chuyên gia trong, ngoài nước thì có thể giải quyết được các vấn đề lớn hơn trong nghiên cứu phát triển.
Các đại biểu trao đổi bên lề sự kiện
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS.Hà Minh Cường – Giám đốc mạng lưới cơ học, cơ khí chế tạo, xây dựng của Hội chuyên gia toàn cầu AVSE Global cho biết, trong lần trở về nước tham gia các hoạt động của Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018, chúng tôi cảm nhận sự đón tiếp nồng hậu của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các bộ, ban, ngành và sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa. Bởi nhờ sự kiện này, chúng tôi đã liên kết được nhiều thêm các nhà khoa học ở các nước khác nữa cho việc phát triển các dự án mà chúng tôi đang tham gia và đóng góp cho chính phủ Việt Nam.
“Để kêu gọi nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài trở về đóng góp cho nền khoa học công nghệ nước nhà, tôi cho rằng cần phải sự quyết liệt thay đổi trong tổng thể, chính sách cho thấy rõ động lực và quyết tâm lớn của nhà nước” – PGS.TS Hà Minh Cường nhấn mạnh.
Một số công nghệ mới được trình diễn tại sự kiện
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn FPT có phần trình diễn về các công nghệ mới của mình. Các công nghệ này được trình diễn căn cứ trên các lĩnh vực công nghệ của các chuyên gia công nghệ và nhà khoa học tham gia đoàn làm việc để việc kết nối, hợp tác trong nghiên cứu phát triển sản phẩm được hiệu quả.
Tại đây, một số ý tưởng của các nhà khoa học đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng hợp tác từ các Tập đoàn công nghệ, cũng như lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.
Quỳnh Nga - Thu Hằng