Nhật Bản chính thức rơi vào suy thoái vào tháng 2 năm nay và để mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức. Ngay cả như vậy, thị trường hàng xa xỉ của Nhật Bản vẫn đón những tín hiệu tích cực. Khi doanh số hàng xa xỉ biến động ở Trung Quốc và chậm lại ở phương Tây, Nhật Bản đang đi ngược xu hướng với mức tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh thu của ngành hàng xa xỉ toàn cầu.
Theo The New York Times, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm tăng lãi suất đồng yên vốn đang trượt dốc không phanh xuống mức thấp nhất trong vòng 34 năm qua, đồng tiền của nước này vẫn tụt hậu so với đồng đô la Mỹ khiến nhiều mặt hàng xa xỉ cũng vì vậy mà giảm khá sâu. Đây được xem là một trong những yếu tố thúc đẩy sự gia tăng số lượng du khách đổ xô đến đất nước mặt trời mọc với mục đích chính là mua sắm.
Ví dụ như một chiếc đồng hồ Tag Heuer bán với giá 6.450 đô la Mỹ (khoảng 163 triệu đồng) ở New York thì có thể được mua với giá chưa tới 5.000 đô la Mỹ (khoảng 125 triệu đông) ở Tokyo, đã bao gồm giảm giá miễn thuế 10% cho khách du lịch quốc tế.
"Các thương hiệu thời trang cao cấp ở đây rẻ hơn nhiều so với mua ở nước chúng tôi. Tôi sẽ ưu tiên mua mấy món đồ của Dior và Chanel" - một nữ du khách đến từ Indonesia nói với hãng tin Reuters về lý do lựa chọn Nhật Bản để đi du lịch.
Với nhiều người Trung Quốc đam mê săn hàng hiệu thì chiếc túi Louis Vuitton Speedy Bandouliere 20 có giá 2.400 đô la Mỹ (khoảng 58 triệu đồng) là quá đắt đỏ khi mua ở ngay tại Trung Quốc. Và đó cũng chính là lý do giải thích cho hiện tượng tăng đột biến số lượng du khách Trung Quốc đến Nhật Bản thời gian gần đây - nơi giá của chiếc túi cùng nhãn hiệu chỉ chưa tới 2.000 đô la Mỹ.
Một phụ nữ Trung Quốc 30 tuổi đã mua một chiếc túi xách và hai phụ kiện từ một cửa hàng Gucci tại cửa hàng bách hóa Matsuya ở quận Ginza của Tokyo trong tháng này với tổng số tiền lên tới khoảng 520.000 yen (3.390 USD).
Một thanh niên Trung Quốc đến Nhật Bản vào tháng 6 cho biết, nhờ đồng yên yếu, việc mua sắm trở nên khá phải chăng. Khách hàng có thể mua một chiếc vòng cổ Bulgari có giá 368.000 yen ở Trung Quốc với giá 300.000 yên ở Nhật Bản.
Tập đoàn Burberry mới đây báo cáo doanh số bán hàng tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực bán chạy nhất của tập đoàn này đã giảm 23%. Doanh số bán hàng chậm lại ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Burberry. Chỉ có Nhật Bản là tăng trưởng duy nhất, nơi doanh số tăng 6%.
Nhu cầu từ người dân địa phương tại Nhật Bản vẫn yếu, nhưng chi tiêu du lịch mạnh mẽ từ châu Á vẫn gia tăng. Tương tự, đối với LVMH, doanh số tiếp tục giảm ở châu Á ngoại trừ Nhật Bản.
Gucci cũng báo cáo giảm 1/5 doanh số tại Mỹ vào năm 2023, trong khi đó doanh số tại Nhật Bản đã tăng 26%. Nhật Bản cũng vẫn là thị trường kinh doanh có hiệu quả nhất đối với Prada, với mức tăng trưởng bền vững 47%, theo thông tin từ thương hiệu.
“Nhìn chung, thị trường xa xỉ tại Nhật Bản khá mạnh”, Loic Bizel, một nhà tư vấn người Pháp và chuyên gia thị trường Nhật Bản làm việc với các tập đoàn xa xỉ như LVMH cho biết. Theo Bizel, các thương hiệu như Chanel và Hermès đã tăng giá đáng kể trong những tháng gần đây. “Doanh số bán hàng đến từ khách du lịch đang đóng góp một phần vào sự tăng trưởng vì đồng yên rẻ”, ông nói.
Thống kê của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) cho thấy, đã có hơn ba triệu khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản chỉ trong tháng vào tháng 5/2024, trong đó khách du lịch đến từ Trung Quốc chiếm đa số, tăng hơn 800% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các cửa hàng bách hóa lớn đã được hưởng lợi từ hoạt động mua sắm hàng xa xỉ của khách du lịch. Ba cửa hàng hàng đầu của Isetan Mitsukoshi Holdings tại Tokyo, bao gồm cửa hàng Isetan Shinjuku, đã chứng kiến doanh số tăng 20,2% trong năm trong giai đoạn từ ngày 1 đến ngày 15/7.
Túi xách và ví hàng hiệu bán chạy, giúp doanh số miễn thuế tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Daimaru Matsuzakaya Department Stores, một công ty thuộc Tập đoàn J. Front Retailing, đã tận hưởng mức tăng 21,9% về doanh số miễn thuế trong cùng kỳ.
Dữ liệu từ Hiệp hội Cửa hàng Bách hóa Nhật Bản cho thấy, doanh số miễn thuế tại các cửa hàng bách hóa trong năm tài chính 2023 đạt 428,2 tỷ yen, gần gấp ba lần so với mức của năm trước. Con số này đã vượt quá 400 tỷ yên lần đầu tiên trong một năm tài chính duy nhất trong dữ liệu so sánh từ tháng 10/2014.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Nhật Bản, doanh số bán lẻ của nước tăng 3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ thị trường hàng xa xỉ sẽ đạt 41,1 tỷ USD trong năm 2024, và được dự báo sẽ đạt 42,3 tỷ USD trong năm 2025, trích báo cáo từ nền tảng phân tích xu hướng tiêu dùng Euromonitor.
Thu Trà (T/h)