Sầu riêng giảm mạnh, kim ngạch chỉ bằng 1/20 so với cùng kỳ
Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong 6 tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 24 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm 2024 con số này lên tới 517 triệu USD – tương đương mức giảm gần 95%. Đây là mức sụt giảm sâu chưa từng có, ảnh hưởng trực tiếp đến tổng kim ngạch xuất khẩu qua tuyến cửa khẩu này.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Trung Quốc tăng cường kiểm dịch thực vật từ cuối năm 2024 đến nay, đặc biệt là đối với mặt hàng sầu riêng. Cụ thể, 100% lô hàng sầu riêng phải kiểm tra kỹ lưỡng, dẫn đến việc nhiều lô hàng không đạt yêu cầu, buộc phải quay đầu hoặc tái xử lý, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong việc xoay vòng đơn hàng và giao dịch.
Dù sầu riêng giảm mạnh, các mặt hàng nông sản khác vẫn ghi nhận đà tăng trưởng tích cực, góp phần giữ nhịp cho hoạt động xuất khẩu tại cửa khẩu Lào Cai. Cụ thể: Thanh long 85 triệu USD; vải thiều gần 27 triệu USD; dưa hấu trên 15 triệu USD; sắn lát gần 17 triệu USD
Đây đều là các loại trái cây và nông sản quen thuộc, có nguồn cung ổn định, dễ thích ứng với yêu cầu kiểm dịch và được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.
![]() |
Hơn 570 doanh nghiệp tham gia xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Lào Cai |
Sầu riêng bắt đầu trở lại, kỳ vọng bứt tốc từ cuối tháng 7
Theo ghi nhận từ lực lượng chức năng tại cửa khẩu, mỗi ngày hiện có khoảng 5 - 8 xe sầu riêng được thông quan, cho thấy tín hiệu khởi sắc trở lại của mặt hàng này sau giai đoạn chững lại.
Dự báo, từ cuối tháng 7/2025, khi các vùng sầu riêng trọng điểm tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ bước vào chính vụ thu hoạch, lượng hàng sẽ tăng mạnh, giúp khơi thông hoạt động xuất khẩu, đồng thời bù đắp phần kim ngạch thiếu hụt trong 6 tháng đầu năm.
Lực lượng chức năng cũng đã chủ động phân luồng ưu tiên cho xe chở hàng nông sản, đặc biệt trong khung giờ sáng – thời điểm có điều kiện bảo quản nông sản tốt hơn, góp phần giảm thiểu rủi ro hư hỏng do thời gian chờ đợi kéo dài.
Với đặc thù thị trường lớn, gần gũi về địa lý và có nhu cầu tiêu thụ nông sản đa dạng, Trung Quốc vẫn giữ vai trò là đối tác xuất khẩu nông sản số 1 của Việt Nam, đặc biệt qua tuyến cửa khẩu Lào Cai. Tuy nhiên, việc siết tiêu chuẩn kỹ thuật, tăng cường truy xuất nguồn gốc và kiểm soát vùng trồng từ phía Trung Quốc đang đặt ra yêu cầu cao hơn với doanh nghiệp Việt.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và lâu dài, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa mã số vùng trồng, vùng nuôi và cơ sở đóng gói; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch ngày càng khắt khe hơn.
Không chỉ là cửa khẩu truyền thống của vùng Tây Bắc, Kim Thành - Lào Cai còn là điểm trung chuyển quan trọng trong chuỗi logistics nông sản Việt Nam - Trung Quốc. Với việc tiếp tục nâng cấp hạ tầng logistics, hệ thống kho bãi, bến bãi kiểm dịch, cùng chủ trương đa dạng hóa hàng hóa thông quan, Lào Cai được kỳ vọng sẽ giữ vững vai trò là “cửa ngõ” chiến lược, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu cả nước trong giai đoạn tới.