Nguy hiểm nhất là thị trường mất niềm tin
Các ý kiến phát biểu tại Toạ đàm “Kiểm soát nguồn vốn cho BĐS - Chính sách và tác động” đều nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc các tổ chức tín dụng đang siết chặt nguồn vốn dành cho BĐS.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, theo nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Việt Nam, ngành BĐS không chỉ đóng góp được 8 – 9% trong GDP, mà thực tế là đóng góp tới 14% GDP.
Không thể phủ nhận, sự lan tỏa, ảnh hưởng từ ngành BĐS là rất mạnh, dòng vốn đổ vào thị trường BĐS rất lớn. Vì vậy, tác dộng của ngành đến thị trường tài chính - tiền tệ là vô cùng lớn.
Tuy nhiên, khi một dự án được hình thành, các chủ đầu tư phải bỏ 50% vốn cho các thủ tục đầu tư, đóng thuế, chuẩn bị đầu tư, giải phóng đền bù. Giai đoạn hoàn thiện là 50% vốn còn lại - chủ đầu tư mới bắt đầu được huy động vốn. Đây là thực trạng khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp phải có nguồn vốn tự có phải từ 10 – 15%, sau đó mới là từ vay tín dụng, phát hành trái phiếu… và chỉ được huy động sau khi xong hạ tầng, nền móng.
Hiện nay, việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu đang được các doanh nghiệp BĐS sử dụng nhiều. Sai phạm của một số doanh nghiệp thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh minh bạch, nghiêm túc. Trong khi, các quỹ đầu tư hiện nay chưa có nhiều, doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các quỹ đầu tư thì việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp BĐS ngày càng khó khăn.
“Nếu kiểm soát quá kĩ càng, có thể doanh nghiệp sẽ phải dừng lại các hoạt động đầu tư - ảnh hưởng đến chủ đầu tư, lao động cũng như các ngành nghề liên quan. Nguy hiểm nhất là thị trường mất niềm tin”, ông Đính nói.
Với thực tế này, Hiệp hội BĐS đề xuất không siết các chính sách tín dụng, thay vào đó là những chính sách kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề (đầu cơ tích trữ, mua gom đất, thổi giá).
Cần tiếp tục duy trì hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS, đồng thời, có những quy định mới, kiểm soát, đẩy tính minh bạch, lành mạnh, làm thị trường trong sạch. Thúc đẩy, hình thành các quỹ đầu tư để doanh nghiệp sớm được tiếp cận.
Mất nhiều cơ hội, động lực cho các nhà đầu tư lớn
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, vai trò của BĐS hiện nay bắt đầu từ tâm lý là cơ hội để làm giàu từ BĐS.
Dòng vốn chảy vào các ngành khác so với BĐS đang bị thiên lệch. Cho nên, khi bàn tới BĐS, lúc nào chúng ta cũng bàn tới vấn đề là siết lại. Việc cần bàn là bàn về mô hình, để mô hình, khuynh hướng đầu cơ của nền kinh tế không bị thiên lệch, như vậy năng lực nền kinh tế sẽ không yếu kém.
“Chúng ta cần nghiên cứu kỹ và giải quyết từng mục cụ thể nhằm khuyến khích, để tạo ra hệ thống phân bổ nguồn lực, qua đó, làm giảm đầu cơ đất đai. Cách hành động của chúng ta đều dựa trên cơ chế chính sách, cần dựa trên nền tảng nguyên tắc. Hiện nay việc hình sự hóa các quan hệ đặc biệt BĐS là rất nguy hiểm, thiệt hại cho nhà đầu tư, thiệt hại nền kinh tế. Làm mất nhiều cơ hội, động lực cho các nhà đầu tư lớn”, ông Thiên nhấn mạnh.
Theo ông Thiên, thị trường BĐS đã nghẽn 2 năm nay, cơ hội bùng nổ đang đến khi có các chương trình phục hồi kinh tế.
Cơ hội vô cùng lớn nhưng việc kiểm soát dòng vốn chưa được định hình có thể bỏ lỡ cơ hội. Chính sách hiện nay chưa đủ “táo bạo” để tiếp cận được cơ hội “bùng nổ”. Các cơ quan chức năng nên đặt vấn đề tạo cơ hội, tạo điều kiện để nguồn lực tư nhân phát triển.
Hồng Nga